Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường những bất cập, tồn tại và kiến nghị, đề xuất
Ngày cập nhật 24/06/2019

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì tình hình vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường cũng diễn ra ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng về các loại hành vi vi phạm hành chính, tính chất mức độ ngày càng phức tạp. Vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tư an toàn xã hội, đời sống của người dân.

 

Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì việc ứng dụng công nghệ cao vào công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra xử lý vi phạm đã hỗ trợ rất tốt công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đáp ứng đầy đủ các yếu tố pháp lý, hỗ trợ người có thẩm quyền xử phạt làm căn cứ cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một cách minh bạch nhất. Việc làm này cũng đã tác động mạnh mẽ vào ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, nâng cao năng lực quản lý, tính minh bạch, bình đẳng trong quản lý và xử lý vi phạm hành chính…

Hiện nay, thể chế cho việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường bao gồm các văn bản sau đây:

Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012.

Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường (Nghị định số 165/2013/NĐ-CP).

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT ngày 28/02/2017 quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT).

Thông tư số 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường (Thông tư số 40/2015/TT-BCA).

Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Thông tư số 01/2016/TT-BCA).

Mặc dù thể chế cho việc này đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ quan tâm xây dựng hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập, tồn tại sau đây:

Một là, về danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính

Tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 165/2013/NĐ-CP chỉ quy định 18 nhóm các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, 14 nhóm các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính giao thông đường sắt, 6 nhóm các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính giao thông đường thủy nội địa … và 24 nhóm các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Ngoài các nhóm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nêu trên, thì các thiết bị khác như điện thoại cầm tay, máy tính bảng của cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ và các thiết bị kỹ thuật khác do tổ chức, cá nhân sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính như camera gia đình, camera an ninh, camera hành trình do người dân lắp đặt … lại chưa có cơ sở pháp lý để sử dụng xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và môi trường.

Hai là, về phạm vi chủ thể có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.”

Như vậy, chỉ có cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mới được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Ba là, về phạm vi chủ thể có thẩm quyền phê duyệt, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 165/2013/NĐ-CP quy định: phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi được phê duyệt của người có thẩm quyền sau: Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm; Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Như vậy, chỉ những người theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 165/2013/NĐ-CP nêu trên mới có thẩm quyền phê duyệt việc lắp đặt, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là chưa phù hợp với tình hình thực tế, vì việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là một trong những biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an cần thay đổi thường xuyên đối tượng, vị trí sử dụng và thực hiện hàng ngày để phát hiện hành vi vi phạm hành chính...

Bốn là, về trình tự, thủ tục thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Hiện nay, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử lý đối với các trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện; việc thông báo yêu cầu người vi phạm đến xử lý “phạt nguội” gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, vì tình trạng mua bán xe không sang tên, chuyển chủ; chủ phương tiện, lái xe cố tình trốn tránh không đến xử lý vi phạm …

Tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định về tài liệu, trình tự, thủ tục chứng minh; trên thực tế đối với nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông do người có thẩm quyền trực tiếp phát hiện, nhưng người vi phạm lại đòi hỏi tài liệu, hình ảnh chứng minh vi phạm, trong khi đó phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không thể đầy đủ trên tất cả các tuyến đường, các điểm giao thông cần thiết … thì việc chứng minh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Năm là, về chồng chéo trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”. Việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện bởi nhiều lực lượng khác nhau: Phòng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Công an thành phố … Do đó, khi người có thẩm quyền của các cơ quan này thi hành công vụ có thể gây ra chồng chéo trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Để tháo gỡ những tồn tại, bất cập nêu trên, người viết bài này đề xuất, một số nội dung sau:

Một là, mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tư, an toàn giao thông, chẳng hạn như: các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt.

Hai là, cần mở rộng chủ thể có thẩm quyền phê duyệt việc lắp đặt, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kịp thời đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và thực tiễn hoạt động, như: Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh…

Ba là, cần có cơ sở pháp lý cụ thể quy định về quy trình “chuyển hóa” kết quả thu được từ điện thoại cầm tay, máy tính bảng, camera an ninh... do tổ chức, cá nhân cung cấp; từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp thành chứng cứ để làm căn cứ cho người có thẩm quyền xử phạt có thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bốn là, tăng cường đầu tư hơn nữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong công tác tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; quan tâm việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Năm là, sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, để cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thuận lợi trong việc xác định đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm, từ đó có cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt nhằm tránh tình trạng một hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt nhiều lần, vi phạm nguyên tắc xử phạt quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.739.877
Lượt truy cập hiện tại 13.851