Ngoài ra, nội dung quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, kỷ luật, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức tại Luật Tổ chức Chính phủ chưa phù hợp với một số các quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay. Bên cạnh đó, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Qua triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; việc quy định số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.
Ngoài ra, quy định của Luật về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ở hải đảo như các đơn vị hành chính trong đất liền là chưa phù hợp với các đặc thù, đặc điểm khác biệt của các đơn vị hành chính ở hải đảo... và để phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành của 2 Luật là cần thiết và cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong phạm vi của bài viết này, tác giả đề cập đến một số ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương như sau:
- Khoản 3 Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ “Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)”.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại quy định bổ sung khoản 3a như sau “Quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”, như vậy là có sự trùng lắp về nội dung tại Khoản 3 Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ, theo đó Chính phủ có thể quy định cụ thể các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện như trước đây hoặc quy định khung mà không trái luật.
- Tại khoản 10 Điều 1 dự thảo quy định “Quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”, đề nghị bỏ cụm từ “những mô hình mới”, vì quy định “thực hiện thí điểm về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện” đã bao hàm cụm từ “những mô hình mới”.
- Khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 như sau ‘‘Điều 14. Ủy quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương: “1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”.
Dự thảo Luật quy định cụm từ “có thể” là chưa đảm bảo sự rõ ràng, chưa phù hợp theo quy định tại Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy định ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Do vậy, đề nghị bỏ cụm từ này.
- Khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đề nghị chọn phương án 1, vì quy định 02 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là sự kế thừa từ quy định trước đó của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (chức danh Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh nâng lên thành Phó Chủ tịch HĐND tỉnh), không phải là chức danh tăng thêm hoàn toàn mới. Do đó việc nhận định bố trí mỗi tỉnh 02 chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đến tăng số lượng Phó Chủ tịch, tăng biên chế. Đối với nội dung này, đề xuất phương án về số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh theo hướng đối với tỉnh loại I vẫn giữ nguyên 02 Phó Chủ tịch; đối với tỉnh loại II, III thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Đồng thời, đề nghị không quy định Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban của HĐND cùng cấp như dự thảo.
Về số lượng Phó trưởng ban chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện: Đề nghị không giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách (nhất là đối với cấp tỉnh), căn cứ số lượng biên chế được giao HĐND cùng cấp quyết định việc bố trí số lượng Phó trưởng ban chuyên trách. Điều này là phù hợp thực tiễn khi ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân đều kiêm nhiệm; trường hợp giảm số lượng Phó Trưởng chuyên trách các Ban của HĐND từ 02 xuống 01 người thì không đủ nhân lực duy trì hoạt động của Ban. Đối với những nơi có Ủy viên Ban HĐND hoạt động chuyên trách thì có thể bố trí 01 chức danh Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm. Hoặc có thể quy định theo hướng khống chế số lượng lãnh đạo Ban HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách (không quá 02 người) để vừa đảm bảo nhân lực vừa không phát sinh định biên nhiều.
Đồng thời, trong nội dung này cần bổ sung quy định “trong trường hợp đã bố trí Trưởng ban HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách thì Phó ban có thể hoạt động kiêm nhiệm” để giải quyết trường hợp phát sinh trong thực tế khi một số địa phương bố trí Trưởng ban chuyên trách thay vì Phó ban.
- Đề nghị bổ sung quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về trách nhiệm của chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân, trong trường hợp khuyết Chủ tịch HĐND thì Phó Chủ tịch HĐND chủ tọa kỳ họp. Vì thực tế, có trường hợp Chủ tịch HĐND được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí hoặc bố trí công tác khác.
- Khoản 9 Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 34 và khoản 15 sửa đổi, bổ sung Điều 62 quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã, phường đề nghị quy định xã, phường, thị trấn loại I có từ một đến hai Phó Chủ tịch xã, loại II, loại III có một Phó Chủ tịch để giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
- Về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý đảm bảo yêu cầu về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp, cụ thể: Về đánh số trang văn bản để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14 tháng 3 năm 2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quy định: “Trang của văn bản được đánh số thứ tự bằng số Ả Rập, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, không hiển thị số trang thứ nhất, đặt canh giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản”.