Kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL tại tỉnh Thừa Thiên Huế Ngày cập nhật 17/04/2012 Qua hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2004) tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương đạt hiệu quả cao hơn xin đề xuất, kiến nghị Trung ương một số vấn đề sau: 1. Kiến nghị với Quốc hội về các quy định của Luật năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung:
Về Khái niệm văn bản QPPL: Tại Điều 1 Luật năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định các yếu tố của một văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND là: “Do Hội đồng nhân dân ban hành theo hình thức Nghị quyết, UBND ban hành theo hình thức Quyết định, Chỉ thị; Được ban hành theo thủ tục, trình tự quy định tại Luật; Có chứa quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật), được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi địa phương; Được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật”. Đề nghị Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về tiêu chí “có chứa quy tắc xử sự chung” để đảm bảo áp dụng thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành cũng như kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thẩm quyền ban hành văn bản của từng cấp:
Bất cập lớn nhất của Luật năm 2004 là việc quy định cả 3 cấp đều có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung như nhau nhưng chỉ khác ở cấp độ dẫn đến hệ thống văn bản ở địa phương trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc và rất khó kiểm soát. Còn thẩm quyền ban hành VBQPPL thì bị xé nhỏ theo phạm vi quản lý đã dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác ban hành văn bản, tốn kém và lãng phí về nguồn tài chính và nhân lực cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản ở địa phương. Việc quy định nhiều tầng nấc văn bản cũng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc thi hành, tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc ban hành cũng như triển khai thực hiện, trong khi đó thực tiễn cho thấy đa phần các địa phương số lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật rất ít, nhiều văn bản lặp lại quy định của Trung ương và của tỉnh. Do đó thiết nghĩ về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Luật năm 2004 chỉ cho phép cơ quan chính quyền cấp tỉnh trở lên mới có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã chỉ có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính để tổ chức thực hiện quy định pháp luật, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và quản lý các lĩnh vực hoạt động của địa phương.
Hình thức văn bản QPPL của HĐND, UBND: Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật năm 2008), Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đó, theo quy định của Luật năm 2004, thì Ủy ban nhân dân các cấp lại ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức chỉ thị. Nội dung chỉ thị do Ủy ban nhân dân ban hành thường mang tính chỉ đạo, đôn đốc chung, yếu tố “quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng” trong nhiều trường hợp rất khó xác định hoặc không thống nhất trong việc xác định. Do đó, cần quy định rõ hình thức của văn bản QPPL mà UBND được ban hành, các tiêu chí để phân định văn bản QPPL với văn bản cá biệt. Theo đó, UBND chỉ được ban hành văn bản quy phạm dưới hình thức Quyết định, loại bỏ chỉ thị ra khỏi hình thức văn bản QPPL của UBND. Các chế định phải được quy định rõ ràng, nhất là những chế định trong quy định thẩm quyền, quy trình thủ tục, hình thức, nội dung ban hành Nghị quyết của HĐND là văn bản quy phạm pháp luật; tránh tình trạng mỗi nơi vận dụng một kiểu, không đạt hiệu quả trong hoạt động quản lý điều hành ở địa phương.
Nội dung VBQPPL của HĐND, UBND: từ thực tiễn ở địa phương cho thấy HĐND, UBND nên ban hành văn bản QPPL trong các trường hợp cần quy định, hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của cấp trên phù hợp với tình hình ở địa phương như quy định về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách; việc thu phí, lệ phí; các nội dung liên quan đến đất đai, nhà ở; dạy nghề, việc làm; khám, chữa bệnh; giao thông; tệ nạn xã hội; môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục như: việc dạy thêm, học thêm, chất lượng giáo dục…
Công tác rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra VBQPPL: Ở địa phương, việc xây dựng văn bản QPPL về quy chế; trình tự, thủ tục rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL rất cần thiết để thực hiện công tác này có hiệu quả, trong đó, ngoài vai trò của cơ quan tư pháp, cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan đối với công tác này. Tuy nhiên, hiện nay, thể chế về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL còn thiếu, ngoài các quy định chung tại Luật năm 2008 và Luật năm 2004 chưa có quy định cụ thể của cấp trên về công tác này, do đó, việc xây dựng văn bản QPPL của địa phương về nội dung này còn hạn chế. Đề nghị cần ban hành văn bản quy định cụ thể về việc pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 93 Luật năm 2008 để dễ dàng tra cứu, tiếp cận, áp dụng và thực hiện pháp luật, góp phần làm minh bạch hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Kiến nghị về giải pháp tăng cường hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật:
Kiến nghị với Chính phủ: Để nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản nói chung và công tác lấy ý kiến đối tượng tác động của văn bản nói riêng, trước hết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ tư pháp làm công tác văn bản có đủ năng lực, trình độ chuyên môn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 07 năm 2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải sớm thành lập Phòng Pháp chế với số lượng cán bộ ít nhất là 03 biên chế. Cán bộ pháp chế phải đạt trình độ cử nhân Luật trở lên và được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng: Soạn thảo, kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sớm hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sẽ giúp nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản của địa phương.
Về đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật: Nhìn chung, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật còn thiếu, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, xa; ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các ban của HĐND chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản QPPL còn nhiều cơ quan bố trí cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm. Ở cấp xã chỉ được bố trí từ 1 đến 2 biên chế làm công tác tư pháp - hộ tịch nhưng trên thực tế lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ xây dựng văn bản. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản QPPL còn hạn chế, thường xuyên phải thay đổi. Đề nghị phải có chế độ đãi ngộ, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề để động viên, thu hút cũng như đặt ra yêu cầu về năng lực nghiệp vụ đối với đội ngũ này.
Đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định để đảm bảo chất lượng của văn bản QPPL khi được ban hành. Hiện nay, các nội dung này thường chỉ được quy định trong các Chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường công tác xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh, mà chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật nên việc áp dụng trong thực tế đôi khi chưa nghiêm và thiếu biện pháp chế tài để xử lý.
Kiến nghị với các Bộ, cơ quang ngang bộ:
Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan Nhà nước địa phương.
3. Đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế quy định về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như: Quy định cụ thể về các yếu tố và tiêu chí để phân biệt một cách rõ ràng về văn bản quy phạm pháp luật, vì hiện nay khái niệm và các yếu tố của văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân là chưa rõ ràng nên dẫn đến có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau trong việc xác định một văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Thực tế cho thấy, trong thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, nơi nào cập nhật thông tin trên máy tính, có hệ cơ sở dữ liệu đủ mạnh thì nơi đó có thuận lợi rất lớn trong việc thu thập, xử lý văn bản và hiệu quả việc rà soát, hệ thống hóa văn bản sẽ cao.
Thủy Phương Các tin khác
|
|