Về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo dự thảo Thông tư
1. Về đánh số trang văn bản: đề nghị chỉnh sửa theo đúng quy định tại Điều 76 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó quy định số trang được đặt canh giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản.
2. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về kỹ thuật viện dẫn văn bản “Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản”, do vậy đề nghị chỉnh sửa tại căn cứ pháp lý “Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;”.
3. Tại Chương IV quy định về điều khoản thi hành, đề nghị không quy định Điều 40 về biểu mẫu trong hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý vào dự thảo, mà nội dung điều này chuyển thành Phụ lục theo đại ý như sau:
PHỤ LỤC
(Kèm theo Thông tư số .../2018/TT-BTP ngày ... tháng ... năm 2018
của Bộ Tư pháp)
Mẫu số 01
|
Sổ theo dõi, thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý (Mẫu TP-TGPL-01).
|
Mẫu số 02
|
Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu TP-TGPL-02).
|
Mẫu số 03
|
Phiếu hẹn (Mẫu TP-TGPL-03).
|
Mẫu số 04
|
Phiếu thực hiện tư vấn pháp luật (Mẫu TP-TGPL-04).
|
Mẫu số ...
|
......
|
Một số vấn đề cụ thể
1. Tại Điều 3 dự thảo quy định về xác định vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành, điều này dự thảo đưa ra 2 phương án, cả hai phương án đều nhằm bảo đảm phù hợp với khoản 3 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý “trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 của Luật này thì vụ việc được tiếp tục cho đến khi kết thúc”. Tác giả chọn phương án thứ hai, theo đó người yêu cầu lựa chọn hoặc được người tiếp nhận hướng dẫn lựa chọn một hình thức trợ giúp pháp lý.
2. Tại Điều 13 dự thảo quy định về thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý, chọn phương án 1 vì cho rằng quy định thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu trong trường hợp thụ lý ngay là 10 ngày làm việc sẽ bảo đảm người được trợ giúp pháp lý ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi đi lại khó khăn có đủ thời gian để bổ sung giấy tờ, tài liệu.., tuy nhiên đề nghị bổ sung cụm từ “làm việc” sau cụm từ “Trong thời hạn 10 ngày”, viết lại thành “Trong thời hạn 10 ngày làm việc từ khi vụ việc được thụ lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp, bổ sung các giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý hoặc các giấy tờ, tài liệu chứng minh có vụ việc trợ giúp pháp lý”.
3. Tại Điều 14 dự thảo:
a) Tại khoản 1 quy định về Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý: Chọn phương án 1 vì cho rằng dự thảo Thông tư không cần quy định việc lựa chọn một trong hình thức này vì đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định 03 hình thức trợ giúp pháp lý, tại khoản này đề nghị chỉnh sửa cụm từ “điển đơn” thành cụm từ “điền đơn” tại phương án 1.
b) Tại khoản 5 Điều 14; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 15 và các nội dung có liên của dự thảo, đề nghị sửa cụm từ “Người có yêu cầu trợ giúp pháp lý” thành “Người được trợ giúp pháp lý”, để thống nhất với quy định tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý.
4. Tại điểm b khoản 2 Điều 15 chỉnh sửa lỗi chính tả cụm từ “khời kiện” thành cụm từ “khởi kiện”.
5. Điều 18 dự thảo quy định thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và Điều 19 dự thảo quy định thực hiện đại diện ngoài tố tụng: chọn phương án 2 “Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lấy ý kiến của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ về quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý sau khi vụ việc hoàn thành (theo mẫu)”, vì phương án này có ưu điểm là ý kiến phản hồi sẽ khách quan hơn.
6. Tại khoản 2 Điều 24: kiến nghị bổ sung cụm từ “cơ quan” sau cụm từ “theo yêu cầu của”, viết thành là “theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước”.
7. Tại khoản 2 Điều 29 của dự thảo: ở cụm từ “có trách nhiệm báo cáo là Trưởng Đoàn”, đề nghị bỏ từ “là”, viết lại thành “có trách nhiệm báo cáo Trưởng Đoàn”; kiến nghị chỉnh sửa cụm từ “thì thông báo cho người có ra quyết định” thành “thì thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định” để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đánh giá.
8. Đối với dự thảo Tờ trình: Tại điểm b khoản 1 mục IV, dự thảo Tờ trình ghi “Dự thảo Thông tư có 42 Điều với 05 Chương, bao gồm: chương 1 về quy định chung, chương 2 về các hoạt động nghiệp vụ TGPL, chương 3 về đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, chương 4 về quản lý nhà nước về TGPL, chương 5 về điều khoản thi hành”, tuy nhiện tại dự thảo Thông tư chỉ có 4 chương, không có chương V, kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, điều chỉnh.