- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục trình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
- Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định
Thông thường, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được ghi cụ thể tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính (mẫu Quyết định số 02 – ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 28 và Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong một số trường hợp, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong những trường hợp sau:
- Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật XLVPHC (những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này).
- Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
- Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6 Luật XLVPHC) hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt (khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC);
- Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.
Trong quá trình thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, người có thẩm quyền xử phạt và có trách nhiệm tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả cần lưu ý sử dụng các mẫu được ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ- CP.