Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:
+ Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;
+ Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước phải trên cơ sở các căn cứ sau:
+ Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
+ Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm hành chính phải được quy định thành khung thời gian cụ thể, khoảng cách giữa thời gian tước tối thiểu và tối đa không quá lớn.
Việc quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước phải căn cứ vào Điều 21, Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Việc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép; chứng chỉ hành nghề của hành vi vi phạm hành chính có thời hạn tước dài nhất.
- Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phụ thuộc vào cơ quan, người đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chỉ thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
- Trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì người có thẩm quyền xử phạt tịch thu và thông báo cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động bị tịch thu biết.
1. Vướng mắc
Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Luật chưa quy định về cách thức xác định thời hạn cụ thể đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nên trong thực tiễn áp dụng gặp không ít khó khăn, lúng túng. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo sự thống nhất khi áp dụng nội dung này.
2. Kiến nghị, đề xuất
Có thể xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng sau:
a) Đối với thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc thời hạn đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm thì có thể áp dụng cách tương tự như cách xác định mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc thời hạn đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định là mức trung bình của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động có thể dưới mức trung bình nhưng không vượt quá mức tối thiểu của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động có thể trên mức trung bình nhưng không vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động.
b) Thời điểm tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề:
- Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
- Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. (thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước) là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ.
- Khi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng theo quy định của Nghị định và khi trả giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản và lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định./.