Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT TỐ CÁO (SỬA ĐỔI)
Ngày cập nhật 01/11/2017

Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Sự ra đời của Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua 6 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; về bảo vệ người tố cáo ... Do vậy, việc sửa đổi Luật Tố cáo nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan là cần thiết. Sau đây là một số ý kiến góp ý vào dự thảo Luật:

Những vấn đề chung

Về tên gọi: Đề nghị chỉnh sửa tên gọi của Luật là Luật Tố cáo, bỏ cụm từ “sửa đổi” vì dự thảo Luật lần này thay đổi toàn bộ nội dung của Luật Tố cáo năm 2011 chứ không phải sửa đổi một số điều của Luật.

Nhất trí với dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, sửa đổi cơ bản Luật Tố cáo hiện hành, tuy nhiên đề nghị dự thảo Luật bổ sung phạm vi điều chỉnh về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu, chuyển công tác nhằm bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm ….

Một số vấn đề cụ thể

Điều 3 dự thảo Luật quy định về áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo: Đề nghị không quy định nội dung tại khoản 1 vào dự thảo, vì dự thảo Luật không quy định về đối tượng áp dụng và theo khoản 1 và khoản 4 Điều 2 thì không phân biệt cá nhân là người Việt Nam hay người nước ngoài nên được hiểu bất cứ cá nhân nào sinh sống, làm việc ở Việt Nam đều có quyền tố cáo theo quy định của Luật này. Đồng thời, việc ưu tiên áp dụng Điều ước quốc tế đã được Luật Ký kết điều ước quốc tế quy định, vì vậy cũng không cần thiết quy định như dự thảo.

Đề nghị cân nhắc việc quy định tại khoản 2 vì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo, trừ trường hợp tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến cách hiểu là bất cứ luật nào đều có thể có quy định khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo và như vậy là không hợp lý. Việc áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Khoản 3 Điều 156: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau). Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung này.

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 13 dự thảo Luật): Đề nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Về hình thức tố cáo (Điều 19 dự thảo Luật): Đề nghị dự thảo Luật nên quy định hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo qua điện thoại… để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị cần có cơ chế để xem xét, xử lý đối với những tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhằm tránh bỏ lọt, bỏ sót hoặc xử lý không kịp thời đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo, tố cáo nặc danh (Điều 23 dự thảo Luật): Nhất trí với dự thảo Luật về nguyên tắc không xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo vì không khả thi, không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bị tố cáo.

Về thời hiệu tố cáo (Điều 27): Nhất trí chọn phương án 2 không quy định về thời hiệu tố cáo, vì hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc tố cáo hành vi vi phạm xuất phát từ nhận thức của người tố cáo; việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội, xử lý, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Mặt khác, quyền tố cáo là quyền được quy định tại Điều 30 của Hiến pháp năm 2013. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, dự thảo Luật không quy định thời hiệu tố cáo là phù hợp. Do vậy, tại khoản 1 Điều 20 đề nghị bỏ nội dung “Hết thời hiệu tố cáo”.

Thời hạn giải quyết tố cáo (Điều 28 dự thảo Luật): Đề nghị quy định rõ là “ngày” hay “ngày làm việc” trong các quy định về thời hạn giải quyết tố cáo trong dự thảo Luật.

Về quy định rút tố cáo (Điều 32 dự thảo Luật): Đề nghị không quy định việc rút tố cáo, vì người tố cáo không thể tùy tiện trong việc tố cáo cũng như việc rút tố cáo; bên cạnh đó, việc xem xét, xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai không thuộc trách nhiệm của người tố cáo; hơn nữa, người đó có rút đơn tố cáo hay không thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo: Điều 42 của dự thảo Luật quy định việc dẫn chiếu tại các Điều 19, Điều 20, đề nghị Ban soạn thảo xem lại việc dẫn chiếu này để phù hợp với nội dung cần dẫn chiếu.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.533.539
Lượt truy cập hiện tại 10.144