Trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc soạn thảo, ban hành, thực thi VBQPPL của tỉnh; kịp thời rà soát với các VBQPPL của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để tham mưu Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều VBQPPL, góp phần vào việc quản lý nhà nước ở địa phương. Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, từng cơ quan, đơn vị phát huy vai trò và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật từ khâu đề nghị, soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo, thẩm định, trình thông qua dự thảo và ký ban hành …
Kết quả thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/5/2017: Ngay từ đầu mỗi năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống VBQPPL của tỉnh. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.
Về ban hành VBQPPL: HĐND, UBND tỉnh ban hành 119 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó gồm 30 Nghị quyết của HĐND, 89 Quyết định của UBND);
Đối với công tác tự kiểm tra, xử lý VBQPPL: Sở Tư pháp tham mưu tự kiểm tra 100% VBQPPL do UBND tỉnh ban hành. Nhìn chung, các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số văn bản sai về thể thức như: Cách ghi ngày có hiệu lực của văn bản, sai về kỹ thuật trình bày do giai đoạn giao thời giữa Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.
Công tác kiểm tra văn bản QPPL: Thành lập 07 Đoàn kiểm tra, kiểm tra 107 văn bản quy phạm pháp luật tại HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, phát hiện 45 văn bản sai sót về hình thức, bố cục, ngôn ngữ kỹ thuật soạn thảo văn bản ; 01 văn bản sai về thẩm quyền ban hành và có kết luận kiến nghị HĐND, UBND cấp huyện khắc phục, xử lý theo quy định.
Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL: Nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của VBQPPL của HĐND, UBND trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 30/6/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1504/QĐ-UBND về công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến ngày 31/12/2015, với 03 danh mục đính kèm, cụ thể: Danh mục các văn bản QPPL còn hiệu lực gồm: 472 văn bản; Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần gồm: 87 văn bản; Danh mục văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới gồm: 228 văn bản. Ngày 24/3/2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 582/QĐ-UBND công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực đến 31/12/2016. Theo đó, Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ gồm 118 văn bản (11 Nghị quyết, 90 Quyết định và 17 Chỉ thị). Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 20 văn bản (06 Nghị quyết, 14 Quyết định). Danh mục văn bản hết hiệu lực được triển khai đến các sở, ban, ngành và địa phương để áp dụng cho phù hợp.
Đánh giá chung: Nhìn chung, các VBQPPL của tỉnh được ban hành theo đúng quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn. Hệ thống VBQPPL của tỉnh ban hành đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Các văn bản ban hành được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại và hạn chế: Do Luật và Nghị định hướng dẫn có nhiều điểm mới nên vẫn còn tình trạng một số cơ quan soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về quy trình xây dựng văn bản. Đặc biệt là bước lập đề nghị xây dựng quyết định. Hầu hết các văn bản đều thực hiện các bước soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, gửi thẩm định khi chưa thực hiện việc lập đề nghị xây dựng quyết định. Từ đó, dẫn đến việc Sở Tư pháp phải làm văn bản trả hồ sơ và yêu cầu thực hiện lại theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngoài ra, đối với khâu phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản đóng góp vào văn bản đôi khi chưa hiệu quả, các cơ quan được lấy ý kiến đóng góp chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, phải đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự thảo nhiều lần.
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL đôi lúc chưa được thực hiện kịp thời, do đó việc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản còn chậm.
Đội ngũ công chức làm công tác pháp chế còn kiêm nhiệm, nhiều việc nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu soạn thảo VBQPPL.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo chưa thật sự quan tâm đúng mức và chỉ đạo sâu sát công tác này, dẫn đến một số văn bản tham mưu ban hành chậm tiến độ được giao.
Giải pháp và kiến nghị:
Thứ nhất: Thực hiện nghiêm túc quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiến độ trong công tác đề nghị, xây dựng chính sách, thẩm định VBQPPL theo đúng quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn.
Thứ hai: Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa VBQPPL để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản, quy định trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.
Thứ ba: Kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện điều động, luân chuyển công chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm công tác xây dựng pháp luật; đảm bảo công chức làm công tác xây dựng pháp luật đủ về biên chế, có chất lượng về chuyên môn nhằm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quy định của Luật.
Thứ tư: Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin cần thiết để đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu tiếp cận, nghiên cứu và xử lý thông tin nhằm phục vụ tốt công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan, đơn vị.