- Một là, cần chú trọng nâng cao chất lượng hòa giải, không “chạy” theo số lượng. Việc xem trọng số lượng Tổ hòa giải chính là thực trạng của không ít địa phương, thậm chí chỉ tiêu số lượng về Tổ hòa giải có lúc còn được xem như một tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở, đi sâu vào hiệu quả hoạt động. Nếu có thôn/Tổ dân phố có Tổ hòa giải hoạt động không hiệu quả thì không nhất thiết phải thành lập Tổ hòa giải; và ngược lại, nếu có Tổ hòa giải hoạt động hiệu quả thì có thể phát huy vai trò của Tổ ở các thôn/Tổ dân phố lân cận.
- Hai là, theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở thì Hòa giải viên có trách nhiệm rất lớn, bắt đầu từ khi nắm bắt vụ việc hòa giải, đến thực hiện và theo đuổi việc hòa giải, đôn đốc các bên thực hiện thỏa thuận hòa giải. Trách nhiệm là vậy nhưng đây vẫn là nhiệm vụ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Do đó, các chế độ đối với hòa giải viên và công tác hòa giải vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Về cơ chế, Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp ban hành quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, đã nêu rõ chế độ hỗ trợ trong công tác này, thậm chí có thể nói chế độ khá đầy đủ khi quy định hỗ trợ các vấn đề thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hòa giải viên trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khó đảm bảo được các quyền này của hòa giải viên và Tổ hòa giải ở cơ sở một cách đầy đủ do ngân sách địa phương chưa bố trí được. Trong khi đó, Luật Hòa giải ở cơ sở nêu rõ “Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở’ (khoản 1 Điều 6), nhưng trên thực tế việc này chưa được triển khai thống nhất, đầy đủ.
- Ba là, cần tăng cường trách nhiệm của các ngành trong hỗ trợ cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ. Thực tiễn hòa giải với nhiều tình huống đa dạng, phức tạp và không phải lúc nào hòa giải viên cũng thông hiểu, nắm bắt đầy đủ thông tin. Với những trường hợp này, sự hỗ trợ của cán bộ công chức ở cấp xã cũng như các ngành là rất quan trọng. Luật Hòa giải ở cơ sở chỉ quy định “Trong trường hợp chưa xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không, thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn” (Điều 7 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở); chưa quy định trách nhiệm hỗ trợ của cán bộ, công chức và các cơ quan khi hòa giải viên muốn tìm hiểu thông tin liên quan để giải quyết vụ việc. Do đó, cần thiết có quy định về vấn đề này để hỗ trợ hòa giải viên trong quá trình tìm hiểu, thực hiện hòa giải vụ việc được thuận lợi, thành công.
- Bốn là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên. Có thể nói, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải chính là là kỹ năng hòa giải, trong đó quan trọng nhất là kiến thức pháp luật của hòa giải viên. Mặc dù Luật Hòa giải ở cơ sở đã quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên là “có hiểu biết pháp luật” nhưng mức độ đáp ứng trên thực tế còn hạn chế. Nếu nâng tiêu chí này lên một cách cụ thể thì khó thực hiện vì đây là công việc mang tính tự nguyện, chủ yếu do những người có uy tín ở cộng đồng dân cư thực hiện. Do đó, trước mắt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần thiết tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này.
- Năm là, tổ chức tổng kết, khen thưởng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiệm vụ này lâu nay chưa được chú trọng thực hiện, chủ yếu lồng ghép vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, chưa thường xuyên đánh giá đầy đủ, toàn diện về công tác hòa giải ở cơ sở cũng như biểu dương những nhân tố tích cực trong công tác hòa giải, khuyến khích các hòa giải viên phát huy vai trò của mình ở cơ sở.
- Sáu là, nguồn lực đối với công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, mặc dù Nhà nước có các chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, có thể có cơ chế huy động sự hỗ trợ nguồn lực của các lực lượng trong xã hội đối với công tác này để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở.