Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Những quy định mới về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Ngày cập nhật 11/11/2016

Ngày 22/6/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngày 14/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, kể từ ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực (01/7/2016) thì các Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật sẽ hết hiệu lực thi hành.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) được quy định tại Điều 170. Tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản được quy định tại Chương IX, từ Điều 137 đến Điều 171. Về cơ bản, quy định điều chỉnh hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được kế thừa từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Theo đó, cách thức quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, căn cứ, nội dung, trình tự, hồ sơ rà soát, hệ thống hóa văn bản được tiếp tục kế thừa quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, để phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và thực tiễn triển khai, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có những điểm mới như sau:

1. Về trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản

- Nghị định số 34/2016/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Đối với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, việc rà soát, hệ thống hóa văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp có nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn do Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, huyện chủ trì, phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan thực hiện (không phải là Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân).

- Ngoài ra, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP còn bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan khác đã chủ trì soạn thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản (tại điểm c khoản 3 Điều 139).

Việc quy định về trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản như trên hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; đồng thời, đã quy định đầy đủ và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, huyện; đặc biệt nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan khác (ngoài hệ thống các cơ quan chuyên môn) đã chủ trì soạn thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

2. Quy định về việc kiến nghị rà soát văn bản

Cơ quan nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét để thực hiện rà soát văn bản hoặc chuyển kiến nghị đến cơ quan có trách nhiệm rà soát văn bản, đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức và công dân đã kiến nghị rà soát văn bản (Điều 140 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

Như vậy, khi nhận được kiến nghị, dù thực hiện rà soát hay chuyển cho cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan nhận được kiến nghị vẫn phải thông báo cho đối tượng đã kiến nghị (Nghị định số 16/2013/NĐ-CP quy định việc thông báo cho đối tượng đã kiến nghị chỉ áp dụng trong trường hợp chuyển kiến nghị).

Việc quy định như vậy sẽ đảm bảo quyền được thông tin của đối tượng đã kiến nghị, giúp cơ quan, tổ chức và công dân nắm bắt được tình hình xử lý các nội dung đã kiến nghị và góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

3. Quy định về nguồn văn bản rà soát, hệ thống hóa và việc sử dụng kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản

Để phù hợp với quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (quy định giá trị sử dụng của các văn bản được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật), ngoài các nguồn là bản gốc, bản chính; văn bản đăng trên công báo in, công báo điện tử; bản sao y bản chính, bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền và các văn bản đã được rà soát, hệ thống hóa, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP bổ sung nguồn văn bản rà soát, hệ thống hóa bao gồm cả:

- Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật

- Văn bản trong Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

 Kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản ngoài việc được sử dụng trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, phục vụ công tác hợp nhất văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính còn được sử dụng trong hoạt động cập nhật thông tin của văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

4. Về căn cứ rà soát văn bản

Tương tự Nghị định số 16/2013/NĐ-CP, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định căn cứ rà soát văn bản bao gồm: Văn bản là căn cứ để rà soát (theo Nghị định số 16/2013/NĐ-CP là "văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát") và tình hình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP  không quy định "văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cùng cấp với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát". Điều này do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định về thứ bậc hiệu lực của các văn bản do các cơ quan cùng cấp với nhau ban hành. Trong khi việc ban hành văn bản của các cơ quan này đều được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định và cơ quan, người có thẩm quyền giao.

5. Các hình thức xử lý văn bản được rà soát

 Ngoài 5 hình thức xử lý đối với văn bản được rà soát gồm bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản, thay thế văn bản, sửa đổi, bổ sung văn bản, ban hành văn bản mới, đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP  còn bổ sung thêm 01 hình thức xử lý văn bản so với quy định cũ là ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản trong một thời hạn nhất định, áp dụng trong trường hợp rà soát văn bản căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh.

Việc quy định thêm 01 hình thức xử lý văn bản là bước tiến mới so với quy định cũ, góp phần giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh (nếu có).

6. Về nội dung, trình tự rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật

- Trong trường hợp rà soát theo căn cứ là tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khi xác định văn bản cần rà soát, người rà soát phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định. Đối với quy định cũ thì không phải báo cáo trong trường hợp này (khoản 2 Điều 150).

- Việc lập Phiếu rà soát văn bản chỉ được thực hiện trong trường hợp văn bản được rà soát có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; trong trường hợp văn bản được rà soát không có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì không phải lập Phiếu rà soát văn bản mà người rà soát ký vào góc trên của văn bản được rà soát, ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm rà soát (Điều 151).

Đây là một điểm mới so với quy định của Nghị định 16/2013/NĐ-CP phải lập Phiếu rà soát văn bản kể cả trường hợp văn bản được rà soát không có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc lấy ý kiến cơ quan liên tịch ban hành văn bản được rà soát về kết quả rà soát văn bản: bổ sung thêm quy định “Cơ quan rà soát lấy ý kiến cơ quan liên tịch ban hành văn bản được rà soát về kết quả rà soát văn bản” (Điều 153).

- Bổ sung quy định về rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản tại Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước (Điều 155) và rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 156).

Việc quy định về nội dung, trình tự rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật như trên vừa đảm bảo tính chặt chẽ (phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định ở bước xác định văn bản) vừa đơn giản hóa nội dung công việc (đối với trường hợp không phải lập Phiếu rà soát văn bản), góp phần tạo sự hiệu quả, chất lượng trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản.

7. Về việc lập, tổ chức thực hiện Kế hoạch rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn

So với Nghị định số 16/2013/NĐ-CP, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định có sự thay đổi lớn về thẩm quyền trong việc lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản so với quy định cũ. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình (thay vì giao cho Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP.

Việc quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm, sự chủ động  của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; ngành tư pháp được giảm tải và thực hiện đúng trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản chung của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp.

8. Về thẩm quyền quyết định tổng rà soát hệ thống hóa văn bản

Nghị định số 16/2013/NĐ-CP quy định "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổng rà soát hệ thống văn bản" (Khoản 1 Điều 10). Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 170 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định "Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật". Theo đó, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ trong việc kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tổng rà soát hệ thống văn bản; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng rà soát hệ thống văn bản. Đồng thời, Nghị định cũng quy định "Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng và làm đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch tổng rà soát hệ thống văn bản.

Như vậy, với sự kế thừa, phát huy những quy định về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật từ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan, cùng với những điểm mới như trên sẽ góp phần làm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan./.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.539.148
Lượt truy cập hiện tại 13.368