Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn nêu trên, việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ và bảo đảm quyền của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý vững chắc khắc phục những bất cập, hạn chế, thúc đẩy đổi mới công tác bồi thường của Nhà nước. Sau đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước:
1. Tại Điều 1 dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về phạm vi điều chỉnh trong đó quy định đối tượng được bồi thường là cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Như vậy, đối tượng của Luật là cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định rõ đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài thì có được điều chỉnh bởi Luật này không và việc bồi thường được quy định như thế nào. Do vậy, về phạm vi điều chỉnh đề nghị Luật cần có sự quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cụm từ “viên chức” sau cụm từ “xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức”, viết lại thành “xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức” để phù hợp với khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật.
2. Tại khoản 5 Điều 3 dự thảo Luật quy định về giải thích từ ngữ “5. Cơ quan gây thiệt hại là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là cơ quan khác được xác định theo quy định tại Luật này”, dự thảo Luật quy định “hoặc là cơ quan khác” còn chung chung, đề nghị quy định là những cơ quan khác có liên quan đến việc gây thiệt hại.
3. Tại điểm a khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước “Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường”, đề nghị tại điểm này quy định phù hợp với khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật, theo đó quy định “văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường”. Tương tự, chỉnh sửa tại điểm a khoản 2 Điều 8.
4. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính được quy định tại Điều 21 của dự thảo Luật theo phương pháp liệt kê, trong đó quy định 12 nhóm hành vi được liệt kê cụ thể và có những hành vi quy định theo hướng mở. Các nhóm hành vi này được liệt kê trên cơ sở Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Luật Khiếu nại năm 2011. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính và Luật Khiếu nại không quy định hạn chế phạm vi quyết định hành chính, hành vi hành chính được khiếu kiện ra tòa và quy định các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước nếu gây ra thiệt hại thì người bị thiệt hại có quyền được bồi thường (Điều 7 Luật Tố tụng hành chính và điểm i, khoản 1, Điều 12 và điểm e, khoản 2, Điều 13 Luật Khiếu nại, quy định về quyền của người khiếu nại, người khởi kiện và trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn cho người bị thiệt hại. Do vậy, để bảo đảm sự tương thích giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đề nghị phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được mở rộng theo hướng: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật làm phát sinh thiệt hại cho tổ chức, công dân thì Nhà nước phải bồi thường.
5. Tại khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật quy định “Thiệt hại về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc được xác định là ba ngày lương cơ sở cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc”, đối với quy định này đề nghị tăng mức bồi thường trong trường hợp này là năm ngày lương cơ sở cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
6. Khoản 1 Điều 69 dự thảo Luật quy định “Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định hoàn trả của cơ quan giải quyết bồi thường...” quy định cụm từ “một phần” thể hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ khi vi phạm pháp luật còn thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước chi trả bồi thường cho cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại nên chưa đủ sức răn đe. Do vậy, đề nghị cần có sự nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung phù hợp để công chức đủ tự tin, yên tâm và có trách nhiệm cao trong thi hành công vụ. Việc xác định mức hoàn trả cần phải xem xét trên mức độ lỗi, trách nhiệm của công chức trong mỗi vụ việc để buộc họ phải tiến hành hoàn trả lại kinh phí cho Ngân sách Nhà nước.
7. Theo quy định tại Điều 1 đối tượng điều chỉnh là cán bộ, công chức và tại khoản 6 Điều 10 của dự thảo Luật quy định xử lý kỷ luật có đối tượng là viên chức, tuy nhiên tại Điều 87 dự Luật quy định các hình thức kỷ luật đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại chưa tương thích với quy định tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, do vậy, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm sự tương thích với các luật hiện hành.
8. Tại mục 1 Chương IV quy định về cơ quan giải quyết bồi thường, theo quy định của dự thảo Luật, cơ quan gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường (Điều 40); Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, trong hoạt động tố tụng hình sự, trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trong hoạt động thi hành án dân sự, hình sự được quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 và Điều 39 của dự thảo Luật. Như vậy, dự thảo Luật quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo mô hình phân tán. Ưu điểm của mô hình này là gắn hoạt động chuyên môn khi giải quyết bồi thường và không làm phát sinh bộ máy. Tuy nhiên, điểm hạn chế cơ bản của mô hình này là: có nguy cơ thiếu khách quan trong hoạt động giải quyết bồi thường; người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường dẫn đến lúng túng, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người bị thiệt hại, gây khó khăn cho người bị thiệt hại, phát sinh các thủ tục không cần thiết. Để giải quyết bất cập này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thực hiện theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối tiếp nhận và thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường cho tổ chức, công dân bị thiệt hại. Khi thay mặt Nhà nước giải quyết, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện giải quyết bồi thường sẽ phối hợp với cơ quan quản lý người thi hành công vụ để giải quyết./.