|
|
Liên kết website
Chính phủ Các Bộ, Ngành ở TW Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Sở, Ban, Ngành
| | |
|
Những điểm mới cơ bản của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Ngày cập nhật 31/08/2015
Sau hơn 14 năm thi hành, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 1999 đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Số lượng tội phạm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này, đã làm cho Bộ luật Hình sự hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù, năm 2009, Quốc hội khoá XII đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhưng do phạm vi sửa đổi chỉ giới hạn trong một số điều, nên chưa thể khắc phục được đầy đủ, toàn diện những bất cập của Bộ luật Hình sự trong thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng còn nhiều bất cập về mặt kỹ thuật lập pháp liên quan đến sự thống nhất giữa Phần chung và Phần các tội phạm; các dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội danh; các tội ghép; cách thiết kế khung hình phạt cũng như khoảng cách khung hình phạt của một số tội danh; chưa có sự nhất quán trong cách phân chia các chương tội phạm... Những bất cập này cũng ảnh hưởng lớn đến việc hướng dẫn thi hành và áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trên thực tế.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 với việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự với tính cách là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén nhất trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Do đó, việc xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này gồm 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành), 26 chương, trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều và được thiết kế thành 03 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của Bộ luật Hình sự hiện hành và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành.
So với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, dự thảo Bộ luật lần này có nhiều nội dung mới, như: Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII); sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX). Những nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù, hình phạt tử hình, Điều 38 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù theo hướng hình phạt này không áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 38). Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù, tăng cường khả năng áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ thì tại các điều luật quy định về những tội phạm cụ thể đã nghiên cứu tăng số lượng các khung hình phạt được thiết kế không có hình phạt tù mà chỉ có sự lựa chọn giữa các hình phạt không tước tự do. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình (Điều 39) theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng tiếp tục hoàn thiện quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do, đồng thời bổ sung cơ chế tha tù trước thời hạn có điều kiện; bổ sung các chế định pháp lý về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễm chấp hành hình phạt tù còn lại...
Về tội danh quy định hình phạt tử hình, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 22 tội danh hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7,5 tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh và bỏ tử hình đối với hành vi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Đồng thời, dự luật cũng đã tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Các tội danh khác, mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Bổ sung thêm tội xâm phạm quyền công dân: Một trong những nội dung mới là dự thảo Bộ luật Hình sự đưa ra nhiều quy định bảo vệ quyền con người, tự do dân chủ của công dân. Cụ thể, đối với nhóm tội này, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung 3 tội mới: Xâm phạm quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 6 tội của nhóm này, đó là: Xâm phạm chỗ ở người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật quan trọng của Nhà nước ta, những vấn đề nêu trên là định hướng sửa đổi chính yếu, ngoài ra còn nhiều nội dung cụ thể khác cũng không kém phần quan trọng. Những nội dung sửa đổi này sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.
Thủy Phương Các tin khác
|
|
|
| Thống kê truy cập Tổng truy cập 22.539.422 Lượt truy cập hiện tại 13.518
|
|