Hoạt động ban hành QĐHC là một trong những phương thức quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước, là hoạt động cơ bản của nền hành chính, biểu hiện của thực thi quyền hành pháp trong nhà nước pháp quyền, do đó, đòi hỏi phải tuân thủ đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, chủ trương về một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, một nền hành chính chuyển đổi từ nền hành chính can thiệp sang nền hành chính phục vụ thì hoạt động ban hành QĐHC cần phải đặc biệt chú trọng.
Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn nêu trên việc, ban hành Luật ban hành quyết định hành chính là cần thiết và đảm phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra. Sau đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự án Luật ban hành quyết định hành chính:
Những vấn đề chung:
Về bố cục dự án Luật: Dự án Luật ban hành quyết định hành chính lần này cơ bản và toàn diện, có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với dự án lần 1 nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, dự án được phân chia thành 8 chương, 50 điều là tương đối hợp lý.
Về tên gọi: Thống nhất với tên gọi của dự án Luật là Luật ban hành quyết định hành chính.
Tuy nhiên, đề nghị chỉnh sửa Điều 3 quy định khái niệm QĐHC thành điều quy định về giải thích từ ngữ và đề nghị bố cục Điều 11 theo điều, khoản.
Một số vấn đề cụ thể:
Về Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Nhất trí như dự thảo quy định loại trừ "các quyết định hành chính” nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng; quyết định xử lý vi phạm hành chính; quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng; quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật là do các quyết định hành chính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng là quan hệ hành chính nội bộ liên quan đến công tác quản lý, điều hành của cơ quan mà không phải là quyết định hành chính tác động ra bên ngoài và cũng không thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Luật không điều chỉnh đối với các quyết định hành chính đặc thù được ban hành trong quá trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, xử lý vi phạm hành chính bởi tính chất đặc thù của các quyết định hành chính trong quá trình giải quyết các vấn đề nêu trên đã có từng luật riêng điều chỉnh. Hơn nữa, bản thân Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính và Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đều là các luật về thủ tục, trong khi đó, Luật ban hành quyết định hành chính cũng là một trong những luật về thủ tục. Đối với các quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước cũng đã được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Về Điều 2. Đối tượng áp dụng: Đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng của Luật là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vì trên thực tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vẫn ban hành quyết định hành chính
Điểm c khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định “c) Họ, tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thi hành quyết định”, đề nghị chỉnh sửa như sau “c) Địa chỉ của tổ chức; họ, tên cá nhân thi hành quyết định”.
Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật: Thống nhất cao việc quy định “ngôn ngữ trong quyết định hành chính là tiếng Việt”, nhằm để bảo đảm phù hợp với quy định tại Hiến pháp 2013.
Tại khoản 3 Điều 9 dự thảo quy định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của đối tượng thi hành quyết định hành chính quy đinh những hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị lược bỏ từ “đòi” tại quy định trên vì cụm từ “sách nhiễu” đã bao hàm đầy đủ ý.
Về Điều 11: Áp dụng pháp luật trong việc ban hành quyết định hành chính: Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực đã có quy định về việc ban hành quyết định hành chính, nhưng các quy định này còn rải rác, manh mún, chưa thống nhất, đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của nền hành chính. Do vậy, dự thảo Luật xác định rõ mối quan hệ giữa Luật này và các luật khác có liên quan. Theo đó quy định “Luật này áp dụng chung cho việc ban hành quyết định hành chính. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác đã có quy định về việc ban hành QĐHC và không trái với các quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của văn bản đó. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật không quy định, quy định không rõ ràng, không đầy đủ hoặc không phù hợp với Luật này thì áp dụng quy định của Luật này”. Dự thảo đã xác định rõ nguyên tắc áp dụng của Luật để trong mọi trường hợp, dù có mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định pháp luật thì đều có căn cứ, cơ sở để vận dụng thực hiện nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất của Luật đối với hệ thống pháp luật.
Về ủy quyền ban hành QĐHC (Điều 28, Điều 29): Luật cần quy định về chế định ủy quyền theo hướng phân biệt ủy quyền về thẩm quyền và ủy quyền ký để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đối với hai trường hợp ủy quyền này. Trong đó, việc ủy quyền thẩm quyền là ủy quyền cho cấp dưới, cấp phó về một mảng công việc nhất định có tính chất thường xuyên, ổn định và bằng văn bản quy định, phân công rõ ràng (việc ủy quyền này đương nhiên dẫn đến việc ủy quyền ban hành quyết định hành chính). Còn việc ủy quyền ký là ủy quyền cho cấp phó hoặc cho cấp dưới trực tiếp về việc ký ban hành quyết định hành chính theo vụ việc và không thường xuyên.
Trong trường hợp này, nếu có phân công bằng văn bản rõ ràng thì người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được ủy quyền đó về từng hành vi của mình cũng như về việc ban hành từng quyết định hành chính đơn lẻ. Người ủy quyền chỉ chịu trách nhiệm trước các cơ quan hành chính cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền về vấn đề quản lý, điều hành chung đối với nhiệm vụ do pháp luật quy định. Việc quy định như vậy xác định rõ hơn trách nhiệm pháp lý của người ủy quyền và người được ủy quyền trong từng trường hợp cụ thể, nhất là khi có khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hành chính.