Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số ý kiến góp ý vào dự án Luật Tiếp cận thông tin
Ngày cập nhật 24/05/2015

Quyền tiếp cận thông tin là một quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin được tiếp tục khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận quyền được thông tin của công dân và Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện và hạn chế quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội  nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật tiếp cận thông tin trong thời điểm hiện nay là cần thiết và thích hợp nhằm khắc phục các bất cập về pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật về tiếp cận thông tin hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý chung về ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đồng thời phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.

Dưới đây, là một số ý kiến đóng góp vào dự án Luật tiếp cận thông tin:

1. Những vấn đề chung:

Về tên gọi: Thống nhất với tên gọi của  dự án Luật là Luật tiếp cận thông tin, tên gọi như vậy thể hiện đầy đủ nội dung "quyền tiếp cận thông tin" theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, nhấn mạnh tính chủ động của công dân, tổ chức trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức.

Về bố cục dự án Luật: Nhìn chung, dự án được phân chia thành 7 chương là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, tại Chương VI quy định về khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm, đề nghị bổ sung một điều có nội dung quy định về khen thưởng để khuyến khích, động viên công chức, viên chức làm tốt việc cung cấp thông tin, đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ tốt nhu cầu cung cấp thông tin của công dân.

Tên chương, điều: Đề nghị điều chỉnh tên chương để tăng tính hợp lý, ví dụ: Tên Chương II “Thông tin công bố, công khai”, đề nghị nên chỉnh sửa theo hướng “Công bố, công khai thông tin”. Tương tự, tên Chương III “Thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân” nên chỉnh sửa thành “Cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân”, trên cơ sở đó đề nghị chỉnh sửa tên các điều cho phù hợp.

Tại Điều 14 dự án quy định “Thông tin được cung cấp theo yêu cầu” đề nghị chỉnh lại là “Cung cấp thông tin theo yêu cầu”.

Điều 30: Quy định về điều khoản áp dụng có nội dung trùng lắp với khoản 1 Điều 4 quy định về chủ thể tiếp cận, đề nghị gộp Điều 30 với khoản 1 Điều 4 thành 01 điều.

2. Một số vấn đề cụ thể:

Điều 4: Quy định về chủ thể tiếp cận thông tin: đa số các văn bản pháp luật hiện hành quy định chủ thể tiếp cận thông tin (cả thông tin công bố, công khai và thông tin được tiếp cận theo yêu cầu trong một số lĩnh vực) là tổ chức, cá nhân, do vậy đề nghị bổ sung thêm chủ thể tiếp cận thông tin là người nước ngoài, người không có quốc tịch sinh sống ở Việt Nam và tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam vẫn được tiếp cận các thông tin trong do cơ quan nhà nước chủ động công khai rộng rãi.

Tại cuối khoản 3, đề nghị bổ sung từ “pháp” trước từ “luật’, viết lại thành “bản án của tòa án hoặc theo quy định của pháp luật”. Tương tự, chỉnh sửa tại khoản 5 Điều 21 của dự án.

Điều 7 dự án quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung thêm 01 khoản cuối như sau “Các hành vi vi phạm pháp luật khác”.

Điều 10: Tại điểm c khoản 1 quy định về đăng công báo, đề nghị quy định cụ thể đăng Công báo cấp tỉnh.

Tại điểm d khoản 1 quy định  “Niêm yết tại trụ sở cơ quan và các địa điểm khác ”, đề nghị quy định rõ những địa điểm công bố, không quy định chung chung như dự án.

Tại khoản 2 đề nghị chỉnh sửa cụm từ  “có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức” thành cụm từ “có thể lựa chọn một trong các hình thức”, tương tự chỉnh sửa tại điểm d khoản 1 Điều 23 của dự án Luật.

Tại khoản 3 dự án quy định “Đối với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định tại khoản 1  Điều này, cơ quan nhà nước chủ động xác định hình thức công bố, công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân”, quy định như dự thảo dễ hiểu lầm là ngoài các hình thức nêu tại khoản 1 còn phải xác định hình thức công bố, công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân. Đề nghị chỉnh sửa như sau “Đối với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ quan nhà nước địa phương chủ động xác định hình thức công bố, công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân”.

Điều 11: Đề nghị quy định phù hợp với Điều 9 quy định các thông tin được công bố, công khai, các nội dung khác không phù hợp Điều 9 thì không cần thiết đưa vào nội dung điều này.

Điều 17: Tại khoản 1, khoản 2 quy định về thời hạn cung cấp thông tin cho người yêu cầu là 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ là quá dài. Để thực hiện cải cách hành chính, đề nghị rút ngắn về thời gian giải quyết xuống 5 ngày là phù hợp.

Điều 19:  Tại khoản 2 dự án quy định “Người yêu cầu cung cấp thông tin chỉ phải trả chi phí đối với các khoản sau”, đề nghi bỏ từ chỉ tại đoạn trên, viết lại thành “Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí đối với các khoản sau :”.

Điều 22 : Tại điểm a khoản 2 dự án quy định “Việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng và lợi ích của việc cung cấp thông tin đem lại cho cộng đồng lớn hơn so với mức độ nguy hại của việc không cung cấp thông tin có thể”, đề nghị bỏ cụm từ “có thể”, viết lại thành “với mức độ nguy hại của việc không cung cấp thông tin”.

Điều 23: Tại điểm e khoản 1 dự án quy định "Bố trí hợp lý nơi tiếp dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan", đề nghị bổ sung từ “công”, trước từ “dân”, và để phù hợp với Luật Tiếp công dân và phù hợp với đoạn cuối điều này. viết lại thành “Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan”.

Điều 31: Tại khoản 1 dự án quy định "Luật này được áp dụng đối với các thông tin được tạo ra, hình thành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Khuyến khích các cơ quan cung cấp thông tin được tạo ra, hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực cho công dân theo quy định của Luật này", đề nghị không quy định khoản 1 vào dự án, vì nếu người người dân có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin được tạo ra trước ngày luật có hiệu lực mà cơ quan đó đang lưu giữ để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin phong phú hơn.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.540.374
Lượt truy cập hiện tại 14.022