1. Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự
Đa số các ý kiến chọn loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) vì các lý do: Thứ nhất, để Tòa án có thể giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật thì cần giao cho Tòa án quyền “giải thích pháp luật”. Theo đó, trong trường hợp không có luật thì Thẩm phán, Hội thẩm căn cứ các nguyên tắc chung của pháp luật, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Các khái niệm này lại quá trừu tượng, không có tiêu chí rõ ràng; đồng thời Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND không trao quyền giải thích pháp luật (theo nghĩa rộng như trên) cho Tòa án; Thứ hai, Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc quy định Thẩm phán và Hội thẩm phải đưa ra phán quyết kể cả trong trường hợp không có luật là chưa phù hợp với Hiến pháp; Thứ ba, quy định này thiếu tính khả thi vì việc thực hiện trên thực tế đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng giải thích pháp luật; Thứ tư, quy định này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án, cần nghiên cứu để nếu cần thiết thì quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hoặc Bộ luật Tố tụng dân sự.
Nếu chọn ý kiến thứ nhất quy định như dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11) để xem xét giải quyết mọi tranh chấp dân sự kể cả trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó là không phù hợp với thực tiễn vì hiện nay chưa có quy định cụ thể tập quán nào là tập quán tiến bộ, mang tính tính cực cần phải phát huy. Mặt khác, một vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật của quốc gia là pháp luật phải đảm bảo tính hợp hiến thì quy định này cũng không phù hợp, vì Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Xuất phát từ nội dung này thì nguyên lý áp dụng pháp luật là: nếu chưa có pháp luật quy định thì chưa có cơ sở pháp lý để áp dụng và giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đảm bảo các quyền về dân sự nói riêng và các quyền khác của con người, của công dân. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ việc dân sự được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và đánh giá chứng cứ do các đương sự cung cấp theo ý chí chủ quan của người giải quyết là các Thẩm phán. Nếu áp dụng theo nguyên tắc “tập quán” hoặc “tương tự” thì rất dễ xảy ra tình trạng áp dụng, vận dụng tùy nghi theo ý chí chủ quan của người trực tiếp giải quyết. Từ đó, nảy sinh thêm tính chất phức tạp của việc áp dụng pháp luật. Vì vậy, đa số chọn loại ý kiến thứ hai nghĩa là không quy định vấn đề này trong Bộ luật dân sự (sửa đổi). Còn vấn đề bảo đảm các quyền dân sự của con người, công dân trong trường hợp pháp luật chưa quy định thì cơ quan có thẩm quyền cần phải tăng cường công tác xây dựng pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ, việc dân sự.
2. Về quyền nhân thân
Đa số ý kiến nhất trí loại ý kiến thứ nhất vì việc quy định cụ thể các quyền nhân thân sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn áp dụng; các quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự là truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam từ Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 và thực tiễn áp dụng cũng không cho thấy có bất cập lớn.
Một số ý kiến chọn ý kiến thứ hai vì cho rằng chỉ những quy định nào liên quan đến tư cách của các chủ thể thì nên tiếp tục làm rõ trong Bộ luật Dân sự, còn một số quy định khác đã được nêu trong Hiến pháp thì không nhất thiết phải đề cập lại trong Bộ luật Dân sự để tránh chồng chéo, đảm bảo tính tối cao và hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp. Đề nghị dự thảo chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự, như là: quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp, như là: quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử… Trong trường hợp có tranh chấp về quyền nhân thân, có thể áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp để giải quyết. Bộ luật dân sự chỉ quy định các quyền nhân thân có liên quan trực tiếp đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự, như quyền về họ, tên; quyền về nơi cư trú.
3. Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự
Đa số các ý kiến chọn loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng trong hộ gia đình các thành viên thường xuyên có sự thay đổi (do tách, nhập, sinh, tử, kết hôn...) nên việc xác định thành viên của hộ gia đình khi có tranh chấp để xác định quyền và nghĩa vụ gặp nhiều khó khăn; Tổ hợp tác hiện hành gây nhiều khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý của Tổ hợp tác, phân định trách nhiệm dân sự của Tổ hợp tác và trách nhiệm dân sự của từng thành viên Tổ hợp tác. Việc quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật hiện hành đã gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác vì hầu như không có hộ gia đình, tổ hợp tác là nguyên đơn hay bị đơn dân sự.
Tuy nhiên, đề nghị công nhận tư cách pháp nhân của gia đình và tổ hợp tác để buộc các chủ thể phải đăng ký như đăng ký pháp nhân, và coi đó là một loại pháp nhân thì lúc đó mới có cơ chế rõ ràng để quản lý.
Một số ý kiến không đồng tình với quy định về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự trong Dự thảo cho rằng, hộ gia đình và tổ hợp tác có nhiều sự khác biệt nên không thể quy định chung cả hai chủ thể đó trong cùng một điều luật như trong Dự thảo. Đề nghị không đưa quy định này vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
4. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức
Đa số chọn loại ý kiến thứ hai vì cho rằng quy định của Bộ luật dân sự hiện hành tốt hơn trong dự thảo, do đó không nên sửa lại. Điều 134 Bộ luật dân sự hiện hành quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Như vậy, thời hạn thực hiện là do Tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện. Điều này trên thực tế dễ triển khai hơn so với quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 145 của dự thảo, theo đó quy định: “Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời gian hợp lý,…”.
Một số chọn loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường.
5. Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu:
Đa số chọn loại ý kiến thứ nhất quy định như dự thảo Bộ luật góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn lợi ích hợp pháp của người thiện chí ngay tình trong giao dịch dân sự, theo đó, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ; phù hợp với một số nội dung trong Luật đất đai 2013, kể cả Bộ luật dân sự hiện hành khi Bộ luật này quy định thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được tính từ thời điểm đăng ký; góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác đăng ký tài sản, đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của của những người làm công tác đăng ký tài sản.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự hiện hành là hoàn toàn phù hợp vì quyền lợi của chủ sở hữu phải được ưu tiên bảo vệ trước và quy định như Bộ luật dân sự giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản. Mặt khác, thực trạng đăng ký quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là đăng ký bất động sản ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch và còn nhiều sai sót. Nếu dựa vào việc tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu để xác định tính hợp pháp của giao dịch đối với người thứ ba thì không đảm bảo được quyền lợi của chủ sở hữu khi việc đăng ký quyền sở hữu có sai sót. Do đó, nên giữ nguyên quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành là phù hợp với thực tiễn hiện nay.
6. Về hình thức sở hữu:
Đa số các ý kiến chọn loại ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đưa ra 4 hình thức sở hữu là: sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân, sở hữu chung vì quy định như dự thảo đảm bảo phù hợp với các chế độ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Bộ luật dân sự cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để có thể xác định được quyền của người dân đối với các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhất là tài sản về đất đai.
7. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác
Đa số chọn loại ý kiến thứ nhất đồng ý quy định như dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy sẽ phân định rõ ràng hơn thời điểm giao dịch được xác lập. Quy định này nhằm thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với các quyền của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Hơn nữa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác như: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... Tuy nhiên cần làm rõ khái niệm vật quyền, vì đây là một khái niệm mới trong các quy phạm pháp luật.
8. Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
Đa số chọn loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định như dự thảo Bộ luật. Việc Tòa án can thiệp đến mức phân chia thiệt hại, buộc đàm phán,... là không đúng với bản chất của hợp đồng, không thể hiện được ý chí tự định đoạt của các bên và khó khả thi trên thực tiễn. Ngay bản thân từ “cho phép” trong dự thảo luật cũng không phù hợp với bản chất của hợp đồng dân sự là tự do ý chí, tự do thỏa thuận.
9. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Đa số các ý kiến nhất trí chọn loại ý kiến thứ nhất giữ nguyên như dự thảo Bộ luật, việc quy định dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố nhằm tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, đưa ra mức chuẩn cụ thể nhằm ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi, đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, các bên tham gia có thể áp dụng ngay, đồng thời họ cũng biết được hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Việc Ngân hàng nhà nước thay mặt Chính phủ công bố lãi suất cơ bản là phù hợp với quy định Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
10. Về thời hiệu
Đa số các ý kiến chọn ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định về thời hiệu khởi kiện như Bộ luật dân sự hiện hành vì thứ nhất là để nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình. Thứ hai là để không tạo áp lực cho tòa án trong việc giải quyết những vụ việc đã xảy ra trong thời gian dài, khó xác định về chứng cứ cũng như nội dung vụ việc. Thứ ba là thời hiệu khởi kiện đã được quy định và áp dụng ổn định trong pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự ở nước ta, việc bỏ quy định về loại thời hiệu này có thể gây ra những xáo trộn nhất định trong thi hành pháp luật.