Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Góp ý một số điều của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến bình đẳng giới
Ngày cập nhật 25/04/2015

Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật dân sự năm 2005 cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản giữa các chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... Tuy nhiên, Bộ luật dân sự hiện hành còn có những bất cập, hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bình đẳng giới thực chất cho cá nhân, cụ thể như: Chưa bảo đảm nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp đặc biệt như Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận; một số quy định về cá nhân, giao dịch dân sự, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn chưa thực sự bảo đảm tính khả thi về bình đẳng giới; chưa tạo được cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự… Hạn chế này lại càng biểu hiện rõ nét trong bối cảnh hiện nay khi mà Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới trong việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, do yếu tố về văn hóa, tập quán truyền thống và vị thế kinh tế thì người phụ nữ dễ trở thành bên yếu thế trong quan hệ dân sự.

Kế thừa, phát triển quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã kế thừa 265 điều và phát triển 298 điều, trong đó có nhiều quy định tốt về giới và bình đẳng giới của Bộ luật dân sự năm 2005  như nguyên tắc bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; thiện chí, trung thực; chịu trách nhiệm dân sự … Dưới đây, tôi xin góp ý một số điều của Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) liên quan đến bình đẳng giới:

1. Điều 3 Dự thảo Bộ luật quy định nguyên tắc bình đẳng “Trong quan hệ dân sự, các cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để đối xử không bình đẳng với nhau; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của cá nhân, pháp nhân khác, trong việc thực hiện quyền, khôi phục quyền khi bị vi phạm và bảo vệ quyền theo các phương thức được Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.

Quy định như dự thảo chưa đảm bảo việc lồng ghép bình đẳng giới, đề nghị bổ sung thêm nội dung: “bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thiết lập, thực hiện và kết thúc quan hệ dân sự”, vì cụm từ “bình đẳng” là chưa bao hàm nghĩa của “bình đẳng giới”.

2. Khoản 3 Điều 42 quy định về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình. “3. Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận”.

Quy định như dự thảo Bộ luật chưa đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong dự thảo mới chỉ đề cập đến việc hai cá nhân sống chung mà chưa dự liệu những trường hợp hai cá nhân sống chung và có con chung thì quyền lợi của đứa trẻ sẽ được quy định như thế nào?  Đề nghị bổ sung quy định “Trường hợp có con chung thì sẽ xác định theo Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền, nghĩa vụ cha mẹ và con”.

Đồng thời, quy định như dự thảo chưa tương thích với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vì khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”; việc giải quyết quan hệ tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn  phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Do vậy, việc quy định như khoản 3 Điều 42 Dự thảo Bộ luật có thể dễ dẫn đến tình trạng cổ súy cho việc sống chung mà không kết hôn ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức lối sống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

3.  Điều 665 Dự thảo quy định “vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Quy định như dự thảo là chưa hợp lý vì tại Điều 644 quy định di chúc chung nhằm đảm bảo quyền định đoạt của vợ chồng đối với tài sản chung, ở khía cạnh nào đó cũng là bảo vệ quyền cho người vợ, người không đứng tên trong Giấy chứng quyền sở hữu, quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thực tế tài sản phần nhiều đang đứng tên người chồng, nếu có mâu thuẫn trong cuộc sống chung vợ chồng không thống nhất được mà phải sửa đổi thậm chí huỷ bỏ di chúc chung thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến tài sản của mình thì người phụ nữ liệu có cơ hội và điều kiện thực hiện quyền này hay không vì họ không được đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, hay chứng minh được đó là tài sản chung. Trường hợp nếu một bên chết thì bên còn lại có quyền sửa đổi bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình thì cũng không hợp lý vì lúc đó thực chất không tồn tại di chúc chung nữa vì một phần di chúc liên quan di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực.

4. Điều 670 Dự thảo quy định về “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 643 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 644 của Bộ luật này: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Quy định như dự thảo chưa đảm bảo quyền lợi của con dâu và con rể khi chung sống cùng gia đình vợ hoặc chồng. Theo quy định Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này”, các Điều 69, 70, 71 và 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ; quyền và nghĩa vụ của con;  nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng; nghĩa vụ và quyền giáo dục con. Như vậy, pháp luật đã công nhận mối quan hệ giữa con dâu, con rể và cha mẹ chồng, vợ sống chung với nhau như là mối quan hệ cha mẹ và con ruột thịt. Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình, đảm bảo quyền lợi cho những người con dâu, con rể sống chung với bố mẹ chồng, vợ trên cơ sở nuôi dưỡng lẫn nhau, đồng thời để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa cha mẹ và các con đề nghị nên xem xét quy định bổ sung đối tượng là con dâu, con rể sống chung cùng bố mẹ chồng, vợ vào diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.546.647
Lượt truy cập hiện tại 17.841