SỞ TƯ PHÁP TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Ngày cập nhật 11/05/2024

Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” được xem là giải pháp quan trọng nhằm đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống từ sớm, từ xa; qua đó, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách sau khi được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, vào sáng ngày 10 tháng 5 năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở chủ trì với sự tham dự của các đại biểu là đại diện Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Hội Bảo vệ quyền Trẻ em tỉnh.

 

Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động tiêu cực nhất trong xã hội, do đó, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có sự tiếp cận chuyên biệt, đặc thù, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em với mục đích bao trùm là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và định hướng hành vi trở thành công dân tốt cho xã hội.

Thượng tá Tống Viết Đức - Phó Chánh văn phòng cơ quan CSĐT, Công an tỉnh

phát biểu góp ý tại Hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự Trường Đại học Luật,

Đại học Huế trình bày tham luận tại Hội thảo

Với mục tiêu đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên theo các cam kết, thông lệ quốc tế; Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, đặc thù, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý; Hoàn thiện hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên. Dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo đã tuân thủ luật khung của Liên hợp quốc về Tư pháp người chưa thành niên, tham khảo có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời cập nhật những bất cập hiện nay của pháp luật trong nước cần phải khắc phục.Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề, nội dung của dự thảo Luật còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, cần được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật và hiệu lực khi áp dụng vào thực tiễn.

Nhằm tập trung trao đổi, chia sẻ, phản biện xã hội và góp ý chất lượng vào một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, góp phần đảm bảo lộ trình đến tháng 10/2024, dự Luật được biểu quyết và thông qua theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội và Chính phủ; tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận đến từ Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em tỉnh, Trường Đại học Luật – Đại học Huế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các tham luận đã góp ý những nhóm vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến tại dự thảo Luật như: Quy trình xử lý chuyển hướng; thủ tục điều tra, truy tố người chưa thành niên bị buộc tội; hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên..v..v... Bên cạnh các tham luận, Hội thảo cũng nhận được những ý kiến phản biện, góp ý sâu sắc đến từ đại diện Công an tỉnh, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và đại diện Phòng Bổ trợ Tư pháp – Sở Tư pháp. Hầu hết các góp ý đều tập trung vào nội dung khác về vấn đề hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên, mối tương quan giữa dự thảo Luật với Luật Xử lý vi phạm hành chính,...

Nhìn chung, các tham luận và các ý kiến, giải pháp đề cơ bản đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện, thực tiễn; đáp ứng các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng, qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới cũng như ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước nhà./.

 

Thùy Trang
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày