Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 07/05/2018

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 06 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2013. Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, những bất cập của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương quản lý hành chính, an ninh trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đấu tranh phòng chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính, an ninh, an toàn trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đấu tranh phòng chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính, tội phạm trong thời kì mới; khắc phục tối đa tình trạng tối đa thiếu thống nhất và chồng chéo trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế; đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đời sống kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở một số nội dung sau:

Một là, thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng của quản lý nhà nước. Hoạt động này nhằm đảm bảo triển khai thống nhất, đồng bộ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Nhằm kịp thời triển khai thi hành Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện thể chế theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành. Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp, hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, Quyết định, Chỉ thị, công văn…đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Kế hoạch, Quyết định, Chỉ thị để triển khai, thực hiện nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản triển khai thực hiện do địa phương ban hành đều đảm bảo quy định của pháp luật, bám sát các nội dung của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn liên quan, không có nội dung chồng chéo, trùng lặp; không có nội dung trái pháp luật; các văn bản mang tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hai là, về công tác phổ biến pháp luật về XLVPHC

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về XLVPHC được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chú trọng. Hằng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh tổ chức các Hội nghị triển khai giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các văn bản có liên quan đến XLVPHC cho các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan Trung ương tại địa phương và Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện.

Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đã dành thời lượng tin bài và phát hình các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về XLVPHC. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, kịp thời triển khai thực hiện các văn bản mới, sửa đổi, bổ sung (đã tổ chức hơn 50 Hội nghị triển khai thi hành). Hoạt động phổ biến, tuyên truyền Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật liên quan tại địa phương khá kịp thời, đầy đủ; đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người thi hành công vụ và người dân trong việc thực hiện Luật XLVPHC.

Ba là, công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính được tăng cường triển khai và đối mới phương thức tổ chức để đạt hiệu quả tốt.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác XLVPHC được Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên quan tâm. Hằng năm, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn công tác XLVPHC cho người làm công tác này tại địa phương. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập huấn nghiệp vụ về XLVPHC cho người thi hành công vụ thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý. Nội dung và hình thức tập huấn được điều chỉnh hàng năm. Địa điểm  tập huấn được tổ chức tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Huế, hướng đến việc tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã, là những người công tác tại cơ sở, thường xuyên trực tiếp phát hiện và xử lý những vụ việc liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.

Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được triển khai thường xuyên đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.

Bốn là, công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được tổ chức thực hiện định kỳ theo quy định.

Thực hiện Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật liên quan, từ năm 2014 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trưởng và bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã tại địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thành lập 36 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn chủ động kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC của ngành, lĩnh vực quản lý.

Qua thực hiện công tác kiểm tra nhận thấy, các sai phạm chủ yếu trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là việc áp dụng chưa đúng các loại biểu mẫu theo quy định; một số trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt không kịp thời, để vụ vi phạm hành chính quá thời hạn, thời hiệu; thực hiện chưa đầy đủ quy định về giao quyền xử phạt; có trường hợp xác định không chính xác tính chất, mức độ hành vi vi phạm…

Năm là, về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính.

Trong tổng số 69.031 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành trên địa bàn tỉnh, có 11 Quyết định bị khiếu nại (0,015%). Việc giải quyết khiếu nại về XLVPHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định, không để dây dưa, kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Sáu là, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính

Thực hiện Thông tư số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của liên tịch Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về XLVPHC. Tuy nhiên, với số lượng biên chế của Phòng chỉ có 03 người, trong khi đó phạm vi, nội dung và yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ là rất lớn, thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp phải không ít khó khăn.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí cán bộ pháp chế hoặc phụ trách công tác pháp chế giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật.

Ở cấp huyện, do khó khăn về biên chế, nên Phòng Tư pháp các huyên, thị xã, thành phố Huế chưa bố trí được cán bộ chuyên trách mà thực hiện kiêm nhiệm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Tương tự như cấp huyện, ở cấp xã, công chức tư pháp – hộ tịch phải thực hiện nhiệm vụ trong nhiều lĩnh vực: quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, hộ tịch... Bên cạnh đó là những hạn chế về nhận thức, năng lực chuyên môn nghiệp. Do đó, hiệu quả thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ.

Từ thực tiễn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu quả, cần thiết phải có xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ này./.

 

Trương Thị Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.988
Lượt truy cập hiện tại 19.124