1. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm 04 chương, 26 điều, gồm: Chương I. Quy định chung gồm 09 điều: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; tiêu hủy pháo, thuốc pháo; giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo; trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ. Chương II. Quản lý, sử dụng pháo gồm 10 điều: Nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ; thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ; cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; điều kiện nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; thủ tục cấp giấy phép mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh; sử dụng pháo hoa; huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo. Chương III. Trách nhiệm các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm 05 điều: Trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Chương IV. Điều khoản thi hành gồm 02 điều: Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
(1) Về giải thích từ ngữ: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả…khi đốt gây ra tiếng nổ); pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép; các loại pháo dàn mà một số đối tượng đã mua, đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian trong các dịp tết). Các loại pháo này tại khoản 1 Điều 5 Nghị định quy định: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Như vậy pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ là các sản phẩm, như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc). Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng (các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường…)
(2) Điều 5 Nghị định đã quy định cụ thể 09 hành vi bị nghiêm cấm (bổ sung 07 khoản so với Nghị định số 36/2009/NĐ-CP), gồm:
- Khoản 1: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Như vậy chỉ tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thì được nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ để phục vụ bắn pháo hoa nổ trong các trường hợp theo quy định tại Điều 11 Nghị định này gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc Khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày 30/4, ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trược thuộc trung ương, sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế, các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Khoản 2: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo, Điều 14 Nghị định đã quy định cụ thể tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, đáp ứng đủ các điều kiện thì được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác đều không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo.
- Khoản 3: Cấm mang pháo, thuôc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Khoản 4: Cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Khoản 5: Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không đảm bảo an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Khoản 6: Cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Khoản 7: Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Khoản 8: Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Khoản 9: Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
(3) Điều 6. Quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; Điều 7. Tiêu hủy pháo, thuốc pháo; Điều 8. Giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo: Trong đó, quy định về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo, kho cất giữ, bảo quản phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; quy định về tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, làm mất hoàn toàn tính năng, tác dụng, không để khôi phục lại trạng thái ban đầu, phải tuân thủ đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy định về giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo thì Nghị định quy định cụ thể 03 cơ quan có thẩm quyền giám định gồm: Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
(4) Điều 10 quy định về nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, trong đó quy định việc nghiên cứu, sản xuất, cung cấp pháo hoa nổ theo đơn đặc hàng của các cơ quan nhà nước phải đảm bảo quy định của pháp luật về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ theo đơn đặc hàng của cơ quan nhà nước và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức được phép sử dụng pháo hoa nổ chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ, cụ thể:
1. Tết Nguyên đán
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
2. Giỗ Tổ Hùng Vương
a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.
3. Ngày Quốc khánh
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.
4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.
5. Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
a) Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.
6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(5) Điều 14 quy định về việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, trong đó quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, phòng ngừa ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường, bảo đảm kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, phương tiện phù hợp, người quản lý, người phục vụ có liên quan phải được huấn luyện về kỷ thuật an toàn; kinh doanh pháo hoa bảo đảm chất lượng, quy chuẩn và các điều kiện khác theo quy định.
(6) Điều 17 quy định về sử dụng pháo hoa: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng.
Như vậy, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo đã quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 3 và được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ, gồm các loại như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng nhiều màu sắc). Đối với loại pháo này cơ quan, tố chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định; trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ; trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
- Xử lý hành chính (Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP):
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;
g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;
d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;
c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;
đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;
b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.
7. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này”.
- Xử lý hình sự (Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015) Tội gây rối trật tự công cộng:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm”.
(7) Điều 18 quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo: Đây là quy định mới, trong đó các đối tượng là người quản lý, người lao động sản xuất, người lao động trực tiếp sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo, người được giao quản lý kho pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo. Riêng đối với việc huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ thì bổ sung thêm người huấn luyện là chỉ huy bắn pháo hoa nổ, người sử dụng pháo hoa nổ, người bảo vệ, bốc dỡ tại kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ. Về các nội dung huấn luyện, trình tự, thủ tục huấn luyện, thẩm quyền huấn luyện được quy định cụ thể tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 18 Nghị định.
2. Triển khai Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP; văn bản số 733/UBND-NC ngày 23 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về pháo.
2.1. Một số nội dung chủ yếu triển khai Nghị định số 137/2020/NĐ-CP:
(1) Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo.
- Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Thời gian thực hiện: Từ nay và các các năm tiếp theo.
(2) Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng pháo
- Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tư pháp, các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Thời gian thực hiện: Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/01/2021. Đẩy mạnh tuyên truyền từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
(3) Tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP
- Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành liên quan.
- Thời gian thực hiện: Ngay sau khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021.
Trong đó:
- Công an tỉnh: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về pháo theo quy định của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan; vận động nhân dân giao nộp pháo; phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo; tổ chức thực hiện việc thu hồi, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy đối với pháo do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý giao nộp.
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ và nhân dân, nhất là quy định về đối tượng được sử dụng pháo hoa, trường hợp được sử dụng pháo hoa, loại pháo hoa được sử dụng, đối tượng được nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo hoa; các hành vi bị nghiêm cấm và quy định của pháp luật xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm về pháo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo.
- Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền và tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cho đội ngũ lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế, quy định nhằm quản lý, sử dụng pháo hoa đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp phép, công tác quản lý, hình thức xử phạt đối với việc quản lý, sử dụng pháo hoa để trách sự chồng chéo trong quy định pháp luật.
- Cục Quản lý thị trường: Xây dựng kế hoạch chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo.
- Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo cho các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng pháo.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tiến hành tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, biển, đảo để phát hiện, xử lý các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo.
- Cục Hải quan tỉnh: Phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu để ngăn chặn, xử lý các trường hợp nhập khẩu trái phép các loại pháo.
- Sở Văn hóa và Thể thao: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chọn địa điểm tổ chức bắn pháo hoa phù hợp mỹ quan, đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường; đồng thời, quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng quy định về thời lượng, tầm bắn pháo hoa, tổng hợp tình hình báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho việc vận chuyển, bắn pháo hoa và đảm bảo an toàn đúng quy định, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự trên đường vận chuyển và địa điểm bắn pháo hoa.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn Sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan Thông tin, truyền thông địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP và văn bản quy định chi tiết thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cơ quan, tổ chức và nhân dân.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Đại học Huế: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo đến các đơn vị trực thuộc trong hệ thống giáo dục.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế: Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng pháo, phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng pháo
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động Đoàn viên, Hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng pháo.
- Các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 137/2020/NĐ-CP trong Sở, ngành, địa phương mình. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.2. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về pháo
Ngày 18/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 21/12/2020 chỉ đạo triển khai thi hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo. Tuy nhiên, qua theo dõi, công tác triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương chưa thật sự quyết liệt, do đó, một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng pháo dẫn đến tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về pháo; trong đó, chủ yếu là vi phạm về mua bán, sử dụng trái phép pháo hoa nổ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về pháo, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về pháo nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tết Nguyên đán Tân Sửu và các sự kiện chính trị, văn hóa năm 2021 diễn ra trên địa bàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 08/12/2020 và Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh. Duy trì chế độ trực lãnh đạo, chỉ huy, trực ban, trực chiến, bảo vệ cơ quan, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn tuyệt Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
- Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm về pháo trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc buôn bán, nhập lậu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; phân tích, đánh giá tình hình kết quả thực hiện công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, đưa ra những dự báo chính xác để tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh có biện pháp phù hợp quản lý nhà nước về pháo trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối điểm tổ chức bắn pháo hoa nổ và Hội vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Các ngày 29, 30 và mùng 01 Tết, chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng xuống địa bàn cơ sở, phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra đốt pháo trái phép để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động xây dựng phương án và phối hợp chính quyền địa phương, lực lượng Công an để đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm bắn pháo hoa và trên tuyến đường vận chuyển; chuẩn bị phương tiện, thiết bị, kỹ thuật phục vụ cho việc vận chuyển, bắn pháo hoa đảm bảo an toàn.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị thuộc Công an tỉnh, các cơ quan liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, tuyến, địa bàn biên giới kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng xâm nhập trái phép, các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép.
- Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn, tuyến trọng điểm, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, kho tàng, bến bãi, các chợ, trung tâm dịch vụ thương mại và các phương tiện giao thông trên tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt phá đường dây, tụ điểm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo, đặc biệt là hoạt động nhập lậu, vận chuyển pháo từ nước ngoài, ngoại tỉnh vào địa bàn.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, trong đó, tập trung: Quán triệt rõ các nội dung mới của Nghị định; giải thích kỹ, giúp các doanh nghiệp, người dân phân biệt rõ giữa “pháo nổ”, “pháo hoa nổ” và “pháo hoa”; loại pháo nào người dân được phép sử dụng và loại pháo nào nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt; các hành vi bị nghiêm cấm. Rà soát, lên danh sách các hộ có thân nhân đi làm ăn ngoại tỉnh, nước ngoài, nhất là các địa bàn trọng điểm về pháo để tuyên truyền và cho cam kết vận động người thân không đưa pháo về địa phương. Chỉ đạo tập trung rà soát các trung tâm tổ chức sự kiện, nhà hàng, khách sạn có tổ chức sự kiện, tiệc cưới để tuyên truyền, cam đoan cam kết không mua bán, sử dụng pháo trái phép.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; chế tài xử lý các hành vi vi phạm hành chính và xử lý hình sự về pháo đến cán bộ, nhân dân biết, thực hiện.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường học quán triệt chấp hành nghiêm túc quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng pháo; phối hợp Công an cơ sở tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể học sinh, sinh viên và phát động tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến pháo.
- Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa được quy định tại Khoản 1, 3 và 6 Điều 11, Nghị định 137/2020/NĐ-CP. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt, cấp phép các sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra trên địa bàn. Đối với các sự kiện có tổ chức bắn pháo hoa nổ, sử dụng pháo hoa thì phải kiểm tra kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn và hồ sơ pháp lý về việc sử dụng pháo hoa; sau khi cấp phép phải thông báo phối hợp các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng pháo.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh trong phạm vi, trách nhiệm của mình phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục hội viên, đoàn viên và toàn dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế căn cứ Công văn này, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Đơn vị nào chưa xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 21/12/2020 phải khẩn trương xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp khi tổ chức khai trương, tổng kết, các sự kiện khác, chỉ được sử dụng pháo hoa (không gây ra tiếng nổ) và phải mua pháo hoa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép kinh doanh pháo hoa. Khi sử dụng pháo hoa phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định và bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường./.