Để khắc phục những tồn tại nêu trên và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh có tính đột phá, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 16 tháng 11 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2898/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ hình thành hệ thống quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho ít nhất 20 đặc sản, hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 5 sáng chế/giải pháp hữu ích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; 100% các đặc sản của địa phương đã bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hỗ trợ để quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; tổ chức ít nhất 20 hội thảo chuyên đề, xây dựng ít nhất 30 chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện truyền thông, đăng ít nhất 60 bài tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên báo chí và các trang thông tin điện tử địa phương, tổ chức ít nhất 12 lớp đào tạo, tập huấn; cử đi đào tạo chuyên sâu cho ít nhất 10 lượt cán bộ, công chức chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý nhà nước; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; thực hiện xử lý 100% các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, chống hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ... Chương trình bao gồm 5 nội dung chính sau đây:
- Nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ: hàng năm xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về tài sản trí tuệ và văn hóa sở hữu trí tuệ; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, triển lãm để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; thiết kế, xây dựng bộ công cụ tra cứu, các gói thông tin sở hữu trí tuệ chuyên ngành; xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; Biên soạn, phát hành các tài liệu hướng dẫn thủ tục đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ, giới thiệu mô hình tiêu biểu có tài sản trí tuệ đã được xây dựng và ứng dụng tốt trong thực tiễn; thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ, dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ: hàng năm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ 04 sáng chế, giải pháp hữu ích, 03 kiểu dáng công nghiệp, 20 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm truyền thống, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của đặc sản địa phương, kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới ra nước ngoài (10 đơn/năm).
Hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương; hỗ trợ khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng quy hoạch vùng sản xuất các đặc sản, vùng sản xuất nguyên liệu cho các đặc sản trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ: Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ như hội chợ, triển lãm, phiên chợ giới thiệu các đặc sản, sản phẩm làng nghề phù hợp với Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thị trường đặc sản của tỉnh; Hỗ trợ xây dựng trang web giới thiệu và quảng bá đặc sản; hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể theo chuỗi giá trị.
- Hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn: Hỗ trợ áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn; hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, sáng kiến, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản nông sản, đặc sản; áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động sản xuất; Xây dựng quy chuẩn chất lượng địa phương gắn với phát triển thương hiệu các đặc sản; hỗ trợ triển khai các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm phục hồi, phục tráng, chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng các đặc sản.
- Tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ: Xây dựng hoặc bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh để triển khai Chương trình trên địa bàn; Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; Tổ chức khảo sát, lập và bổ sung danh mục các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm chủ lực của tỉnh; Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng đề cương dự án đề xuất tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở trung ương.