Mặt hàng này được người tiêu dùng ưa chuộng, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơ sở chưng cất dầu tràm và kinh doanh buôn bán dầu tràm Huế. Do chưa có sự quản lý chặt chẽ nên việc sản xuất, kinh doanh dầu tràm Huế không rõ nguồn gốc, nơi sản xuất và không được kiểm định về chất lượng đã được bày bán công khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, gây bức xúc cho những cơ sở sản xuất dầu tràm Huế đã đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Trước thực trạng trên, ngày 5/5/2020, Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thành lập theo Quyết định số 1110/QĐ-UBND, đồng thời ngày 10/7/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt Điều lệ Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế nhiệm kỳ 2020-2025 theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND.
Ngày 29/9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quyết định số 2509/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm dầu tràm Huế sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tâm lý yên tâm chọn lựa cho khách hàng.
Theo đó, Sản phẩm tinh dầu tràm mang chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế phải được thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất (từ nguyên liệu, chưng cất, đóng gói bao bì sản phẩm) tại vùng địa lý tương ứng với Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế, đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm tinh dầu tràm Huế được ban hành kèm theo Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng (không nồng, không hắc), hương thơm lưu lại lâu và không bị bám dính trên da sau khi bay hơi, hàm lượng Cineol từ 40 đến 60%.
Quy chế quy định rõ nội dung quản lý chỉ dẫn địa lý bao gồm: Nguồn gốc sản phẩm rõ ràng từ vùng nguyên liệu đến cơ sở sản xuất sản phẩm; trên mỗi sản phẩm, bao bì của sản phẩm tinh dầu tràm phải được ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định và gắn mã số riêng của tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất tinh dầu tràm Huế phải tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế; nghiêm cấm các hành vi sử dụng phụ gia hoặc hóa chất vào công tác chưng cất tinh dầu tràm, đảm bảo đúng về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Logo chỉ dẫn địa lý phải được đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhận biết và có kích thước phù hợp để người tiêu dùng có thể đọc được nhưng không nhỏ hơn 2/3 kích thước logo riêng của tổ chức, cá nhân.
Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Điều lệ Hội Sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025 kèm theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 10/7/2020, là tổ chức được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và thực hiện chức năng của Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý theo khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác kiểm soát nội bộ đối với chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế để đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất.