Xác định, 6 tháng cuối năm 2018, trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, còn rất nhiều điều kiện để tội phạm phát sinh, phát triển, nhất là đối tượng thanh thiếu niên có lối sống lệch lạc, ăn chơi; số người nghiện, người sử dụng ma túy cao; các cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp luật, dễ trở thành điểm tụ tập các đối tượng, thành phần phức tạp; quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, thiếu sót, nhất là khoáng sản, tài nguyên môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại; số đối tượng ngoại tỉnh đến địa bàn có nhiều hoạt động phức tạp, dấu hiệu gia tăng; vấn nạn cho vay lãi suất cao, có dấu hiệu tín dụng đen đang “nở rộ”…sẽ làm cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới hết sức nặng nề. Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu:
1. Công an tỉnh, các ngành, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm; làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên không tham gia các tổ chức, đoàn thể.
2. Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác rà soát, thống kế người nghiện, người sử dụng để tổ chức các biện pháp quản lý, cai nghiện; phối hợp với các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sau cai nghiện. Các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể để cấp hội ở cơ sở thực hiện. Giao Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 138 phối hợp theo dõi thực hiện.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch liên tịch, liên ngành đã ký kết với Ngành Công an. Đây chính là cụ thể hóa của việc phối hợp, trao đổi thông tin và theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định để triển khai công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tổ chức, cơ quan, đoàn thể của mình và xã hội nhằm mục tiêu cao nhất là hạn chế tối đa các đối tượng cần phòng vi phạm pháp luật và tội phạm; có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh, sinh viên phạm tội và tệ nạn ma túy như trong thời gian qua nhằm giữ vững mục tiêu không để ma túy lây lan trong trường học.
4. Các lực lượng có chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nhất là đối tượng có tiền án tiền sự, đối tượng có nguy cơ cao phạm tội như không nghề nghiệp, có thái độ bất mãn, chống đối, thường xuyên vi phạm pháp luật để phối hợp các đoàn thể gặp gỡ, động viên, giáo dục. Củng cố các hành vi vi phạm để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc… Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự nhằm xử lý triệt để tội phạm, đủ sức giáo dục, phòng ngừa, răn đe; đồng thời không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
5. Từ thực tiễn huyện A Lưới triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống ma túy, các ngành, cơ quan, địa phương cần quán triệt phương châm trong giải quyết tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội nổi lên là phải huy động lực lượng lớn hơn, cao hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn để tập trung xử lý.
6. Đối với các Đề án trong Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) do các Bộ, ban, ngành Trung ương đã triển khai, các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn; thường xuyên trao đổi thông tin, gửi báo cáo về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh.