Theo đó, để triển khai thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Bộ tiêu chí) có hiệu quả, thống nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm, gồm:
- Quán triệt, thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm công chức, viên chức các cơ quan, địa phương hiểu đúng, đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của hoạt động này. Qua đó thống nhất trong hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí.
- Hàng năm, căn cứ nội dung quy định tại Bộ tiêu chí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, đi vào hệ thống, nề nếp với 05 nhóm công việc tương ứng với 5 nhóm tiêu chí, cụ thể: Hoạt động thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động khác.
- Định kỳ 6 tháng, năm, báo cáo tình hình thực hiện Bộ tiêu chí và các nhóm công việc quy định tại Bộ tiêu chí (tổng hợp trong báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật) gửi về Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thông tin, báo cáo và triển khai đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 03/2018/TT-BTP.
Việc thông tin, báo cáo, đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần bảo đảm tính trung thực, khách quan, phản ánh đúng thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, địa phương và của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó làm căn cứ phát huy kết quả đạt được cũng như có động lực phấn đấu và xây dựng giải pháp khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp, phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong việc góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.