Đề án được tiếp tục triển khai trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục hạn chế, khó khăn trong thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2013-2016, Đề án đã tạo ra sự chuyển biến rõ trong nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về vị trí vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; ý nghĩa và sự cần thiết của việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp. Tạo được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về trách nhiệm của các bên trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần giảm bớt các vụ tranh chấp lao động, số cuộc đình công và lãn công.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động chưa đầy đủ với người lao động; chưa xây dựng và đăng ký nội quy lao động; chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động; chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương để áp dụng; nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài còn diễn ra…
Nguyên nhân của tình trạng này được xác định chủ yếu do nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tạo điều kiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; công tác phối hợp giữa các cơ quan đôi lúc thiếu thường xuyên, đồng bộ; báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên; văn bản pháp luật về lao động và văn bản liên quan được ban hành ngày càng nhiều nên công tác thông tin, tuyên truyền đôi lúc thiếu kịp thời.
Từ thực tế trên, Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội. Về cụ thể, phấn đấu đến hết năm 2021, có trên 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; trên 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và và các quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, của người lao động.
Đề án tập trung vào các phương thức triển khai là tổ chức tập huấn, thảo luận chuyên đề, đối thoại, giải đáp vướng mắc; thi tìm hiểu pháp luật; phát hành tài liệu nghiệp vụ, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích để tuyên truyền cổ động trực quan; tuyên truyền tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên lưu động, sàn giao dịch việc làm vệ tinh dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho người lao động; qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, 15 phút truyền thanh pháp luật trong lúc nghỉ ăn trưa, bản tin doanh nghiệp, tủ sách pháp luật doanh nghiệp, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; hướng dẫn, tư vấn qua các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, hòa giải lao động; xây dựng chuyên mục, chuyên trang, phóng sự, tiểu phẩm phổ biến pháp luật qua Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan chức năng….
Ước tính kinh phí thực hiện là 2.770.000 đồng (hai tỷ, bảy trăm bảy mươi triệu đồng), do nguồn ngân sách nhà nước bố trí và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.