Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Ghi nhận từ Hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch giỏi” của thị xã Hương Thủy – TT. Huế:
Ngày cập nhật 30/06/2010

Ngày 25/6/2010, UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức Hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch giỏi”. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch giỏi” trong năm 2010. Hội thi đã để lại nhiều ấn tượng mạnh và những thành công đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được ghi nhận ngay tại cuộc thi.

1. Công tác tư pháp và thực trạng xã hội được phản ánh qua Hội thi
Với màn thi “Chào hỏi”, các thí sinh đã “kể” nên câu chuyện khá toàn diện về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương mình cùng những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ chính quyền cấp xã nói chung và của công chức Tư pháp – hộ tịch nói riêng trong công tác tư pháp, công tác hòa giải, công tác cải cách hành chính... sát với thực tế, được khán giả đồng tình và Ban Tổ chức, Ban giám khảo đánh giá cao.
Từ những tranh chấp nhỏ trong cộng đồng đân cư như: một bên tự ý xây dựng tường rào ngăn cách giữa hai nhà mà không có sự thỏa thuận với bên còn lại; nước mưa từ mái hiên của nhà này đổ sang nhà bên cạnh làm rác thải tụ lại, gây nghẽn ống cống; việc người con lớn nhận được toàn bộ di sản là nhà đất của người cha để lại, do một chút lòng tham mà đòi bán nhà, đất bất chấp người mẹ và người em không có nơi để ở; hay tình trạng bạo lực gia đình do sa vào các tệ nạn xã hội,... đã được xã Thủy Bằng, phường Thủy Phương, phường Phú Bài xây dựng thành những tiểu phẩm về hòa giải hết sức sinh động. Qua đó, truyền tải đến Hội thi một thông điệp chung, đó là: lý do xảy ra mâu thuẩn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư phần lớn là do người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, hoặc chưa có người có đủ uy tín và kiến thức pháp luật để giải thích, hòa giải kịp thời các mâu thuẩn, tranh chấp. Các tiểu phẩm đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư rất cần được ngăn chặn, hóa giải kịp thời, góp phần bảo vệ, giữ vững trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Với ý nghĩa đó, công tác hòa giải và việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại mỗi khi có công việc phải đến trụ sở Ủy ban nhân dân để giải quyết. Điều này được thể hiện rất thực qua diễn xuất của các “diễn viên” đến từ phường Thủy Lương. Và vấn đề này được thể hiện cụ thể hơn với tiểu phẩm của xã Phú Sơn khi nói về việc một bộ phận người dân chậm đang ký khai sinh cho con em của họ. Lý do của tình trạng này là do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm đầy đủ đến các quyền của trẻ em, nhận thức pháp luật chưa cao... Trong đó, phải kể đến hệ quả tâm lý của tình trạng “hành là chính” khiến người dân rất ngại đến trụ sở các cơ quan công quyền. Đây chính là thách thức mà chính quyền địa phương nói chung và cán bộ Tư pháp nói riêng phải nỗ lực hơn trong công tác cải cách hành chính, tuyên truyền pháp luật, tạo dựng hình ảnh người “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, xóa tan khoảng cách với người dân.

2. Những thành công của Hội thi và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
Hội thi được tổ chức thành công xét trên nhiều mặt. Trong đó, một số hiệu quả đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có thể nhận thấy được ngay tại Hội thi.
Đến với Hội thi, bên cạnh 12 thí sinh là Công chức Tư pháp – hộ tịch của 12 xã, phường, còn có sự tham gia của đông đảo các thành phần là Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công an, Hội nông dân,... Thậm chí nhiều xã, phường, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đã theo sát đoàn dự thi để theo dõi, động viên. Đây là điều quan trọng để Đảng ủy và chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của công tác tư pháp nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng. Qua đó tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này tại cơ sở, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Hội thi có hai phần thi chính là phần thi lý thuyết và phần thi tình huống. Đây là hai phần thi mà Công chức Tư pháp – Hộ tịch phải thể hiện được trình độ kiến thức pháp luật và các kỹ năng trong công tác hòa giải. Các thí sinh đã tỏ ra ngang tài, ngang sức trong việc trả lời và giải quyết tình huống theo các quy định của pháp luật thuộc các lĩnh vực: hộ tịch, chứng thực, hòa giải, trợ giúp pháp lý,...  Nhiều đơn vị đã giải quyết tình huống và phân tích sâu ý nghĩa của tình huống, phản ánh được thực trạng của địa phương. Ví dụ: với tình huống chị H do đi đăng ký khai sinh cho con muộn nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức là cảnh cáo. Chị H không đồng tình và đã khiếu nại lên Chủ tịch UBND xã. Giải quyết tình huống này, đồng chí Lê Quang Thành – Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Thủy Dương, ngoài việc trả lời các quy định pháp luật liên quan về đăng ký, quản lý hộ tịch và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp, đã giải thích rõ các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được khai sinh. Ngoài ra, việc quy định mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong thời hạn do pháp luật quy định đối với người có trách nhiệm đi đăng ký là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng là nhằm “nhắc nhở” những người liên quan phải có trách nhiệm hơn đối với quyền của trẻ em. Tuy nhiên, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên mức phạt cũng không quá cao và thường thì chỉ áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Việc giải thích này đã giúp tháo gỡ “tâm tư” của một số người dân – khán giả đang theo dõi cuộc thi vì chưa thực hiện đăng ký khai sinh cho con em họ, đồng thời đã làm rõ ý nghĩa các quy định của pháp luật.
Hội thi không chỉ mang lại hiệu quả đối với việc nâng cao năng lực của Công chức Tư pháp – Hộ tịch và nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tư pháp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với lãnh đạo, cán bộ ở cơ sở, mà hiệu quả tuyên truyền còn được thể hiện sâu rộng trong đông đảo nhân dân – những người theo dõi cuộc thi và đã nhiệt tình ủng hộ các thí sinh cũng như rất hào hứng trong phần thi giành cho khán giả.
Kết thúc Hội thi, như đánh giá của một đồng chí trong Ban tổ chức, sự thành công của Hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch giỏi” không phải là kết quả trong một ngày mà là kết quả của nhiều năm tích lũy, chuẩn bị của tất cả tập thể và những người tham gia. Hội thi một lần nữa khẳng định hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật của hình thức này. Mặc dù đòi hỏi sự đầu tư lớn về vật chất, thời gian và rất công phu trong công tác tổ chức nhưng rõ ràng, việc tổ chức hội thi bằng hình thức sân khấu hóa có tác động tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách trực tiếp, dễ đi vào cuộc sống và được cán bộ cũng như đông đảo nhân dân tiếp thu nhanh, mang lại hiệu quả rõ nét.
 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.349.402
Lượt truy cập hiện tại 3.422