Theo đó, Kế hoạch nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy hằng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên phát triển toàn diện; có lý tưởng cách mạng; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định công tác phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài; thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kiên trì; lấy phòng ngừa là chính, coi trọng phòng ngừa từ gia đình, từ cơ sở giáo dục, tổ dân phố, khu dân cư. Thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 được lồng ghép với các hoạt động thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Sở Tư pháp.
Kế hoạch cũng đề ra các nội dung để triển khai có hiệu quả, cụ thể:
- Tuyên truyền, phổ biến thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Luật Thanh niên năm 2020; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025.
-Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.
- Hỗ trợ tài liệu cho các đối tượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Nhân dân thông qua hình thức cấp phát miễn phí để lồng ghép tuyên truyền về Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên theo đó chú trọng tuyên truyền tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, không có công ăn việc làm, có tiền án, tiền sự; học sinh, sinh viên cá biệt; thanh, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa; thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khác.
-Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Bản tin Tư pháp, … các nội dung liên quan đến Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến như: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, shisha...; phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng; tuyên truyền, tương tác trực tuyến giữa thanh, thiếu niên với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống ma túy.
- Hưởng ứng các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (26/6); Tháng Thanh niên, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11).
- Tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp lồng ghép các vấn đề về Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trong đó tuyên truyền tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, không có công ăn việc làm, có tiền án, tiền sự; học sinh, sinh viên cá biệt; thanh, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa; thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khác./.