Theo đó, Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP), góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm có liên quan; quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phải chủ động, kịp thời, đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, lồng ghép với việc triển khai Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về phòng, chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Kế hoạch triển khai Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và 2 trẻ em (ban hành kèm theo Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người; việc thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người được lồng ghép với các hoạt động thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Sở Tư pháp.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện:
- Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ACTIP, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tập trung vào các quy định về phòng ngừa mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, thực thi pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người nhằm thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người và người dân; phù hợp với từng đối tượng, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ dân trí, đặc điểm của từng vùng để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi mua bán người;
- Hỗ trợ tài liệu cho các đối tượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Nhân dân thông qua hình thức cấp phát miễn phí để tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;
-Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Công ước ACTIP, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người trên Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Bản tin Tư pháp, Tủ sách pháp luật…;
- Tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng chuyên đề, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Công ước ACTIP, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;
- Rà soát, nghiên cứu tính tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với nội dung Công ước ACTIP để đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Điều ước quốc tế; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Trẻ em; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm phù hợp với các quy định của Công ước ACTIP, gắn với kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người.
- Quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kết hôn, nuôi con nuôi nhằm tránh việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người;
- Hướng dẫn triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ nạn nhân bị mua bán người; tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức và các hoạt động trợ giúp pháp lý; bố trí đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân được trang bị đồng bộ các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho các nạn nhân./.