Kế hoạch ban hành nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương cũng như đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực thi nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Theo đó, các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng Kế hoạch triển khai công tác quản lý thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính năm 2016 trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng, hàng năm đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định tại Điều 25 và khoản 1 Điều 30 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ; thường xuyên rà soát, theo dõi việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện các quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một số lĩnh vực trọng điểm như an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, đất đai, xây dựng…
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; nghiên cứu, biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để phổ biến đến người làm công tác xử lý vi phạm hành chính; đến các tầng lớp nhân dân; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo về công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khi có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện Kế hoạch này.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và triển khai thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị; việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí của các cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan./.