Sáng ngày 11 tháng 7 năm 2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương. Hội nghị được kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 10.000 đại biểu là báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế của các cơ quan, đơn vị, địa phương tham dự. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì, cùng với sự tham gia của 75 đại biểu là báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các cơ quan, đơn vị.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe các báo cáo viên của Bộ Tư pháp quán triệt một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 – 2030” và Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 – 2030” (Đề án 315), theo đó một số điểm mới cơ bản của Đề án 315: mục tiêu phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có tối thiểu 01 tập huấn viên cấp huyện/80 Tổ hòa giải, tối thiểu 01 tập huấn viên cấp tỉnh/100 Tổ hòa giải; mục tiêu ít nhất 10% Tổ hòa giải được luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên hỗ trợ về chuyên môn pháp lý; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030 mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 5% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”; nhiệm vụ xây dựng đội ngũ hòa giải viên từ nguồn tư vấn viên pháp luật cấp xã, huy động cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm hòa giải viên; nhiệm vụ tổ chức thi hòa giải viên giỏi tối thiểu 05 năm 01 lần.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hướng dẫn các đại biểu một số kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương và được lãnh đạo Cục phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp giải đáp, nhất là các vấn đề liên quan đến việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai thực hiện Đề án 279. Hội nghị đã giúp các báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương được cập nhật, bổ sung các kiến thức pháp luật mới và các kỹ năng mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là cách thức tiếp cận thông tin trên nền tảng công nghệ số. Từ đó, vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay./.