Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế giao ban công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Ngày cập nhật 09/07/2024

Chiều ngày 28/6/2024, Sở Tư pháp phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Nam Đông tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo HĐND, UBND huyện, Lãnh đạo các ngành liên quan: Cục THADS, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện Nam Đông; về phía cơ quan Tư pháp có các đồng chí Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế và đại diện một số công chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch các xã trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đồng chủ trì Hội nghị.

 

Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác tư pháp đầu năm, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở nêu rõ: Công tác chỉ đạo, điều hành của Ngành Tư pháp được thực hiện nghiêm túc, bằng việc Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp kịp thời tham mưu, trình UBND tỉnh, các UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp trên địa bàn, trên cơ sở kế hoạch, văn bản đã ban hành chủ động theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Một số nội dung nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới như:

Sở Tư pháp, UBND các huyện chú trọng thực hiện đảm bảo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản,100% văn bản QPPL của cấp tỉnh, cấp huyện đều được Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp thẩm định trước khi ban hành; toàn Ngành đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát và báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của HĐND, UBND kỳ 2019 - 2023. Với những kết quả đạt được, nhân dịp tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã được Bộ Tư pháp đề xuất khen thưởng về thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng pháp luật.  

Công tác bồi dưỡng, tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 được quan tâm thực hiện để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho người làm công tác này tại các Sở, ngành, địa phương, UBND cấp huyện, cấp xã; đã thực hiện rà soát, hệ thống danh mục các văn bản QPPL về xử lý vi phạm hành chính còn hiệu lực thi hành và biên soạn các tình huống “Giải đáp pháp luật” phục vụ nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật bảo đảm về nội dung, thời gian thực hiện và triển khai thực hiện đầy đủ, thực chất, có hiệu quả các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa bàn.

Sở Tư pháp, UBND các huyện đã kịp thời phổ biến các văn bản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024 và tổ chức các Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới,... Tại các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở (huyện Nam Đông), duy trì các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Hỏi đáp pháp luật” (huyện Quảng Điền); Xây dựng Bản tin chuyên đề pháp luật; ứng dụng các tiện ích Zalo, Facebook để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân (thành phố Huế, Phú Vang, Phú Lộc,...). Các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, với tinh thần hỗ trợ, linh hoạt tối đa về công tác khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Sở và các Phòng Tư pháp đã kịp thời hơn trong việc nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước,… do các huyện, xã gửi đến.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với thành phố Hà Nội, Sở đã tổ chức thực hiện việc thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID rất thuận lợi cho người dân, các thao tác đơn giản, dễ thực hiện. Việc nhận hồ sơ, gửi tra cứu thông tin được thực hiện nhanh chóng; thời gian tác nghiệp của công chức trực tiếp làm công tác tham mưu cấp Phiếu LLTP được rút ngắn so với trước đây. Nhờ sự quan tâm phối hợp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cơ quan Toà án nhân dân, cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh và các cơ quan liên quan nên kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp đúng hạn đạt 97%.     

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để cử người thực hiện TGPL tham gia bảo vệ cho người được TGPL ngay từ giai đoạn tố giác; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực trợ giúp pháp lý trong quá trình vụ việc như cấp giấy chứng nhận người thực hiện TGPL tham gia tố tụng; thông báo trước thời gian, địa điểm thực hiện các hoạt động tố tụng,…

Sở Tư pháp, UBND cấp huyện đã và đang tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy theo tinh thần và quy định của các Nghị quyết Trung ương về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Sở Tư pháp là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức.

Tại Hội nghị đã có 09 ý kiến tham gia của các đại biểu phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trả lời các kiến nghị của các phòng chuyên môn thuộc Sở, như: việc áp dụng các giải pháp nâng cao chỉ số của tỉnh tại Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (trả kết quả bằng tập tin điện tử và ký số; khó khăn trong thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông giữa các phần mềm của Bộ và tỉnh,…); các khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ công; vướng mắc trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; khó khăn trong triển khai Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; khó khăn trong chứng thực các hợp đồng, giao dịch; số hoá dữ liệu hộ tịch,…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở ghi nhận thành tích công tác tư pháp đạt được, đồng thời cũng phân tích những hạn chế, tồn tại trong công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm và để triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí đề nghị các đơn vị nghiên cứu, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng cuối năm tại Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 24/01/2024 phê duyệt Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2024 để tiếp tục triển khai, thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch công tác năm đề ra; đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa bàn; cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao cho ngành Tư pháp trong điều kiện biên chế ngày càng thu hẹp như hiện nay./.

 

Thiên An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.510.625
Lượt truy cập hiện tại 23.268