Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Bác sĩ có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh hay không?
Ngày cập nhật 01/04/2024

Anh Khoa là bác sĩ của khoa chấn thương, chỉnh hình tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Vì là một bác sĩ có chuyên môn giỏi, tính tình lại dễ gần, hòa đồng, luôn nhẹ nhàng nên anh rất được các bệnh nhân cũng như đồng nghiệp yêu quý, mến phục. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc của anh cũng thuận lợi, suôn sẻ, thỉnh thoảng, anh vẫn gặp phải một số trường hợp ca bệnh nặng hoặc bệnh nhân và người thân của bệnh nhân khá nóng tính, làm khó anh trong lúc khám, chữa bệnh. Những lúc như vậy, anh cảm thấy rất buồn phiền, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng công việc của anh.

Một lần đang trong ca trực của mình, anh nhận được cuộc điện thoại từ khoa cấp cứu về một vụ tai nạn giao thông, có nhiều bệnh nhân do đó cần sự hỗ trợ của bác sĩ trong khoa của anh. Ngay lập tức anh cùng một số y tá di chuyển đến nơi cấp cứu, tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá tình trạng của các bệnh nhân, anh nhận thấy có một ca bị chấn thương khá nặng, đã hôn mê, cần ưu tiên cấp cứu trước, hai bệnh nhân còn lại chỉ bị xây xước ngoài da, đồng thời qua kiểm tra còn tỉnh táo. Với lý do này, anh đề nghị trước mắt anh sẽ cấp cứu cho bệnh nhân nặng trước, hai bệnh nhân tình trạng nhẹ hơn sẽ do các bác sĩ khác thăm khám, sơ cứu và đưa về phòng để theo dõi theo quy định.

Những tưởng anh sẽ được người nhà bệnh nhân đồng tình, nhưng không ngờ sau khi nghe anh nói, những người này đã hiểu sai ý anh, cho rằng anh và các đồng nghiệp đang “bên trọng bên khinh”, không chịu cứu chữa cho người thân của họ, họ cho rằng anh là bác sĩ có kinh nghiệm, chắc chắn sẽ có tay nghề cao hơn người khác. Với suy nghĩ đó, một số người đã nổi nóng, dùng những lời lẽ không đúng mực để xúc phạm, miệt thị anh; đồng thời, họ đã lao vào đấm, đá anh và người đồng nghiệp, thậm chí, một số người còn dùng gậy gỗ đe dọa, ngăn không cho các bác sĩ thực hiện cấp cứu cho các bệnh nhân nặng và buộc phải chữa trị cho người nhà của họ. Thấy tình hình căng thẳng, các y tá có mặt tại đó đã kịp thời gọi bảo vệ tới để can ngăn để các bác sĩ tiếp tục công việc. Tuy nhiên, do quá hoảng sợ, một số bác sĩ đã từ chối chữa bệnh và đề nghị phải đưa người nhà ra khỏi bệnh viện thì họ mới tiếp tục công việc. Rất may mắn, sau khi có sự can thiệp của lực lượng bảo vệ thì mọi người đã bình tĩnh lại và đồng ý ra ngoài chờ, nhờ đó, các đã được đội ngũ y bác sĩ cấp cứu, chữa trị kịp thời.

Sau khi mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, trong một lần nghỉ giải lao, một số bác sĩ nội trú đã đem câu chuyện này ra để bàn luận. Một người cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào thì bác sĩ cũng không được từ chối mà phải khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân, ý kiến này được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên một số khác cho rằng nếu như vậy thì trong trường hợp dù bị người nhà bênh nhân uy hiếp như sự việc lần trước thì vẫn phải chữa bệnh cho bệnh nhân hay sao?

Đang nói chuyện sôi nổi thì vừa hay anh Khoa bước tới, thấy anh, mọi người vội vàng mời anh đến cùng thảo luận. Biết được thắc mắc của mọi người, anh Khoa điềm đạm trả lời:

- Không phải bất kỳ trường hợp nào thì các y, bác sĩ đều buộc phải tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh, vẫn có những trường hợp, người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh đấy. Cụ thể thì tại Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định về người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:

1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;

3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;

4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;

5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh theo quy định của pháp luật này không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Anh Khoa vừa dứt lời, một người trong nhóm đã lên tiếng:

- Như vậy, sự việc lần trước, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình từ chối khám bệnh cho bệnh nhân vì bị người nhà hành hung là đúng quy định rồi đấy nhỉ?

- Đúng vậy! Anh Khoa đáp – Lần đó, do người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi đấm, đá, dùng gậy gỗ khi bác sĩ thực hiện việc sơ cứu cho bệnh nhân. Đó là hành vi đe dọa xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của bác sĩ, trong sự việc lần đó, bác sĩ có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh.

Thì ra là vậy, các bác sĩ nội trú đều gật gù sau khi nghe anh Khoa nói. Lâu nay, họ đều chỉ quan tâm trau dồi chuyên môn, tay nghề và đạo đức ngành y, mà chưa quan tâm tìm hiểu quyền của mình trong khi thực hiện công việc. Mọi người đều đồng tình cho rằng đây là một quy định pháp luật phù hợp, cần thiết nhằm bảo vệ cho người hành nghề y.

Sau khi thắc mắc được giải đáp, mọi người đều cười vui vẻ, tiếp tục bàn luận sôi nổi về những ca bệnh và những dự định sắp tới của mỗi người.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 2.803