Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Dự thảo Luật Đường bộ quy định thế nào về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn?
Ngày cập nhật 13/12/2023

Vào cuối giờ chiều, trước bữa cơm tối, ông Hảo thường có thói quen nghe radio. Hôm nay, khi đang lắng nghe đến chuyên mục “truyền thông dự thảo chính sách”, ông chợt nghe tới các quy định về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn. Vốn trước đây, ông từng công tác tại đơn vị thường xuyên làm việc với các cơ quan nhà nước về nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ nên ông tỏ ra khá quan tâm về vấn đề này.

Tuy nhiên, lúc đang nghe dở thì đứa cháu nhỏ bất cẩn chạy ngang làm rơi chiếc radio của ông xuống đất, mặc dù không bị hư hỏng nặng nhưng cũng làm gián đoạn tin tức mà ông đang lắng nghe.

Tối đến, khi Minh – cháu trai lớn về nhà sau ca đêm, thấy ông nội của mình ngồi buồn trước cửa, Minh quan tâm đi tới hỏi thăm ông. Thấy cháu trai hỏi han, ông cũng kể ra câu chuyện chiều nay, ông thở dài nói:

- Ông cũng muốn biết dự thảo quy định gì mà giờ chịu, chẳng nghe được gì.

Nghe vậy, Minh cười đáp, bảo ông nội đừng lo lắng, vì anh được biết dự thảo hiện đang được đăng tải công khai trên một số cổng/trang thông tin của cơ quan giao thông vận tải. Thế là anh nhanh nhẹn lấy máy tính xách tay ra và mở tài liệu liên quan tới dự thảo Luật.

- Cháu tìm thấy rồi, để cháu đọc lên cho ông nghe nhé. Điều 40 dự thảo Luật Đường bộ quy định về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ như sau:

1. Gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.

2. Việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật đảm bảo độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác, không trong thời gian thực hiện sửa chữa, kiểm định, quan trắc công trình, không thuộc đường phố chính chủ yếu và phải đáp ứng các quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

3. Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải bảo đảm các quy định sau:

a) Phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực;

b) Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy;

c) Bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường;

d) Điểm cao nhất của phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m;

đ) Phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải được rào chắn, trừ các vị trí cho xe ra vào.

4. Đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ có văn bản đề nghị, gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định tại Điều này.

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của Cơ quan Công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.

5. Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường.

6. Trường hợp sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ có thu phí, giá thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Dường như nhận ra ông nội của mình vẫn chưa nắm rõ lắm, Minh liền kiên nhẫn giải thích:

- Nói tóm lại ấy, thì theo dự thảo Luật Đường bộ, gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, chất nguy hiểm khác và phương tiện quá niên hạn sử dụng. Điều này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp đáp ứng yêu cầu về điều kiện kỹ thuật, bảo đảm độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Khi sử dụng gầm cầu cạn vì mục đích nêu trên, phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận biện pháp phòng cháy chữa cháy và đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra thì dự thảo luật cũng nêu rõ điểm cao nhất của phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m. Phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải được rào chắn, trừ vị trí cho xe ra vào. Ông đã hiểu chưa ạ?

- Ra là vậy, thế thì dự thảo Luật bao giờ mới được thông qua vậy cháu?

- Dạ, theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 89/2023/QH15 ngày 03/6/2023 của Quốc hội quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì dự thảo Luật Đường bộ sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) đó ạ!

- Vậy tốt quá rồi, hi vọng sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực thì tình hình giao thông đường bộ của nước ta sẽ đi vào nề nếp và tốt hơn phải không cháu?

Cả hai ông cháu cùng cười vang, kết thúc một ngày nhiều niềm vui./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.551.056
Lượt truy cập hiện tại 12.366