Nhiệm vụ tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, khả năng sử dụng pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích của mình và xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Các cơ quan nhà nước, cơ quan, chủ thể có thẩm quyền đã tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, thực tế nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và việc hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế. Các đề án, chương trình mới tập trung thông tin, phổ biến về pháp luật mà chưa chú trọng nâng cao năng lực sử dụng pháp luật và tự bảo vệ quyền cho người dân đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận pháp luật và năng lực tiếp cận của người dân.
Với mục đích làm rõ bản chất, thống nhất cách hiểu về Đề án, đồng thời đề ra được các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác cung cấp thông tin cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động tìm hiểu pháp luật; tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận đến từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tỉnh và Phòng phổ biến pháp luật – đơn vị tham mưu Hội đồng PBGDPL thực hiện, theo dõi Đề án. Các tham luận đã phản ánh cụ thể được thực trạng, nguyên nhân của tình hình tiếp cận, tìm hiểu thông tin, tiếp cận pháp luật và sử dụng kiến thức pháp luật vào đời sống, đặc biệt là nhu cầu cung cấp thông tin pháp luật và kỹ năng vận dụng của các đối tượng đặc thù, yếu thế (người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phụ nữ bị bạo lực gia đình, thanh – thiếu niên).
Bên cạnh các tham luận, Hội thảo cũng nhận được những ý kiến phản biện, góp ý sâu sắc đến từ các nhà khoa học (Đại học Luật, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia) và cán bộ quản lý nhà nước về Đề án (Phòng Tư pháp huyện Quảng Điền). Hầu hết các góp ý đều tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm cũng như chế độ hợp lý cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc truyền tải các kiến thức, kỹ năng pháp luật đến Nhân dân.
Nhìn chung, các tham luận và các ý kiến, giải pháp đề cơ bản đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện, thực tiễn của từng địa phương; đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của từng đối tượng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra mục tiêu về “… Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.