Ngày 23 tháng 5 năm 2023, tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Clauspeter Hill, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế và châu Âu, Viện KAS tại Cộng hòa Liên bang Đức; ông Florian Feyerabend, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam và các đại biểu là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Tiền Giang, Tây Ninh… và Thừa Thiên Huế.
Tổ chức thi hành pháp luật là công việc tương đối phức tạp, với nhiều nội dung, từ việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật, tổ chức thi hành chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật cho đến các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật. Do đó, thể chế tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm rất nhiều quy định, được chứa đựng ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội khác nhau gắn với quá trình quản lý hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó chủ yếu là quan hệ trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước và quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định trách nhiệm tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật phải được tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả. Đối với luật, pháp lệnh, nội dung tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào 10 vấn đề sau:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật;
- Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật;
- Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (nếu có);
- Tập huấn văn bản quy phạm pháp luật;
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức;
- Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị, xử lý vướng mắc trong việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày, nêu ý kiến đóng góp, trao đổi về thực trạng tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước; quan niệm, nhu cầu và một số định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; kinh nghiệm tổ chức thi hành pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức và những giá trị tham khảo cho Việt Nam; thực trạng tổ chức thi hành pháp luật và thể chế về tổ chức thi hành pháp luật trong nội bộ hệ thống các cơ quan đại biểu nhân dân (Quốc hội và Hội đồng nhân dân); định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay,...
Các tham luận và nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là kinh nghiệm quý cho những người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các cơ quan, địa phương trong thời gian tới./.