Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giải đáp pháp luật liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Ngày cập nhật 27/02/2023

Câu 1: Anh Nguyễn Huy Sung hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng nghệ thuật. Trong quá trình công tác anh được cử đi nước ngoài học tập. Sau khi ra nước ngoài học tập, vì nhiều lý do anh đã tự ý bỏ học. Hành vi của anh Sung có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

          Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

          Điều 21 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ để được ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật mà không bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Buộc bồi hoàn các khoản kinh phí đã được hưởng và chịu mọi chi phí bồi hoàn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Sung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc bồi hoàn các khoản kinh phí đã được hưởng và chịu mọi chi phí bồi hoàn theo quy định.

Câu 2. Anh La Văn Hàn là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng nghề BM. Đã quá thời gian cấp phát bằng tốt nghiệp theo thông báo, nhưng Trường vẫn chưa cấp phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, anh đã hỏi nhiều lần nhưng trường vẫn trả lời “đợi mấy ngày nữa”. Anh Hàn muốn biết hành vi của trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

  Điều 22 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không ban hành quyết định phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định;

b) Không báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

c) Ban hành quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ không đúng trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn và thẩm quyền quy định;

d) Không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống cháy nổ để bảo quản văn bằng, chứng chỉ;

đ) Không thực hiện cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định;

e) Không lập hoặc lập hồ sơ không đầy đủ, không chính xác thông tin quản lý việc in, sử dụng, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ; không lưu trữ hồ sơ cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định;

g) Không quy định việc lập số hiệu, các ký hiệu nhận dạng phôi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi văn bằng, chứng chỉ;

h) In phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng mẫu quy định;

i) Thực hiện việc hủy phôi văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng thời hạn;

b) Thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ của người học không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng mẫu quy định;

c) Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng thẩm quyền theo quy định.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở mình cấp trên trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

6. Phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; ngành, nghề đào tạo không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành, nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 10 đến dưới 20 người học;

c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 20 đến dưới 30 người học;

d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 30 đến dưới 40 người học;

đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3, khoản 4 nêu trên;

b) Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 6 nêu trên;

c) Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 6 nêu trên.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên;

b) Buộc báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ với cơ quan có thẩm quyền theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên;

c) Buộc ban hành quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 nêu trên;

d) Buộc bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 nêu trên;

đ) Buộc thực hiện cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 nêu trên;

e) Buộc lập hồ sơ quản lý việc in, bảo mật, cấp phát, sử dụng, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ và lưu trữ hồ sơ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e và g khoản 1 nêu trên;

g) Buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 nêu trên;

h) Buộc cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

i) Buộc cải chính thông tin sai sự thật về việc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ của người học không đúng quy định; cấp lại và chịu mọi chi phí cấp lại văn bằng, chứng chỉ cho người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên;

k) Buộc nộp lại văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 nêu trên;

l) Buộc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ đã cấp và cấp lại văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 3 nêu trên;

m) Buộc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 nêu trên;

n) Buộc cập nhật dữ liệu văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học trên trang thông tin tra cứu văn bằng, chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 nêu trên;

o) Buộc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 nêu trên;

p) Buộc bảo đảm quyền, lợi ích của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Câu 3. Trường Cao đẳng nghề HK đã không thực hiện công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình. Hành vi của trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 23 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Buộc công khai đầy đủ, chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Trường Cao đẳng nghề HK sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc công khai đầy đủ, chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.

          Câu 4. Trường Trung cấp nghệ thuật K thường xuyên mời giáo viên thỉnh giảng dạy cho các lớp của Trường. Quá trình mời giáo viên thỉnh giảng, Trường đã không ký hợp đồng với nhà giáo theo quy định. Hành vi của Trường Trung cấp nghệ thuật K có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 24 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định;

b) Bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá định mức giờ giảng theo quy định.

2. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo, người dạy không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ để giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hoặc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bố trí, sử dụng nhà giáo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và đúng chuyên ngành được đào tạo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định của Trường Trung cấp nghệ thuật K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Câu 5. Trường Trung cấp nghề B không tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo theo quy định. Vậy, hành vi của Trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 27 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai;

b) Buộc thực hiện đúng quy định về chính sách, quy định đối với nhà giáo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Trường trung cấp nghề B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc thực hiện đúng quy định về chính sách, quy định đối với nhà giáo.

Câu 6. Trường Cao đẳng CK, trong quá trình giảng dạy vì chạy theo thành tích, trường đã sửa chữa hồ sơ đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Vậy, hành vi của Trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 28 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sửa chữa hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người học;

b) Lập hồ sơ quản lý người học không đúng quy định;

c) Vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản hồ sơ của người học.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thu, giữ hồ sơ, giấy tờ của người học không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không quản lý đầy đủ hồ sơ, tài liệu của người học là người nước ngoài theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc lập hồ sơ, lưu trữ, bảo quản, quản lý hồ sơ, tài liệu của người học theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 1 và khoản 3 nêu trên;

b) Buộc trả lại hồ sơ, giấy tờ của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Trường Cao đẳng CK sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Câu 7.  Chị Võ Thị Mây đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên N.  Trong quá trình học, Trung tâm đã xử lý kỷ luật chị không đúng theo quy định. Vậy, hành vi của Trung tâm có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 30 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kỷ luật người học không đúng quy định;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách đối với người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên;

b) Buộc xin lỗi công khai người học bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên, trừ trường hợp người học hoặc người đại diện hợp pháp của người học bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai;

c) Buộc thực hiện đúng chính sách đối với người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên N sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học.

          Câu 8. Trường Trung cấp du lịch B địa điểm xây dựng cơ sở vật chất không bảo đảm 30% diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với Trường Trung cấp. Vậy, việc vi phạm về điều kiện diện tích đất sử dụng tối thiểu Trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

  Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 31 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

 

Điều 31. Vi phạm quy định về điều kiện diện tích đất sử dụng tối thiểu, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, phương tiện đào tạo

1. Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 10% đến dưới 20% diện tích đất sử dụng tối thiểu;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 20% đến dưới 30% diện tích đất sử dụng tối thiểu;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 30% đến dưới 50% diện tích đất sử dụng tối thiểu;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 50% đến dưới 70% diện tích đất sử dụng tối thiểu;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 70% diện tích đất sử dụng tối thiểu trở lên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, phương tiện đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí ký túc xá, thư viện, phòng y tế, khu rèn luyện thể chất theo quy định.

4. Phạt tiền đối với hành vi không bố trí đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu đối với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu đối với trình độ trung cấp;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu đối với trình độ cao đẳng.

5. Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm diện tích phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, phòng, xưởng thực hành, thực tập, cơ sở sản xuất thử nghiệm dùng cho học tập, giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung, trình độ sơ cấp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân ít nhất từ 4,5 m2/chỗ học đến dưới 5,5 m2/chỗ học đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và từ 03 m2/chỗ học đến dưới 04 m2/chỗ học đối với trình độ sơ cấp;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân ít nhất từ 3,5 m2/chỗ học đến dưới 4,5 m2/chỗ học đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và từ 02 m2/chỗ học đến dưới 03 m2/chỗ học đối với trình độ sơ cấp;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân ít nhất từ 2,5 m2/chỗ học đến dưới 3,5 m2/chỗ học đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và từ 01 m2/chỗ học đến dưới 02 m2/chỗ học đối với trình độ sơ cấp;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân ít nhất từ 1,5 m2/chỗ học đến dưới 2,5 m2/chỗ học đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và dưới 01 m2/chỗ học đối với trình độ sơ cấp;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích bình quân ít nhất dưới 1,5 m2/chỗ học đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

6. Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với từng ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo tối thiểu từ 10% đến dưới 20%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo tối thiểu từ 20% đến dưới 30%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo tối thiểu từ 30% đến dưới 50%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo tối thiểu từ 50% trở lên.

7. Phạt tiền đối với hành vi không bố trí đủ số lượng phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, phòng, xưởng thực hành, thực tập, cơ sở sản xuất thử nghiệm để tổ chức đào tạo đối với từng ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 01 đến 03 ngành, nghề đào tạo;

b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 04 đến 05 ngành, nghề đào tạo;

c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm từ 06 ngành, nghề đào tạo trở lên.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đủ điều kiện bảo đảm về diện tích đất sử dụng tối thiểu, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, phương tiện đào tạo đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc vi phạm về điều kiện diện tích đất sử dụng tối thiểu 30% của Trường Trung cấp du lịch B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc bổ sung đủ điều kiện bảo đảm về diện tích đất sử dụng tối thiểu.

          Câu 9. Anh Lương Văn Kiên hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Trung cấp nghề B. Quá trình học tại Trường, Trường đã sử dụng sách, bài giảng truyền bá mê tín, truyền bá tôn giáo. Anh Kiên muốn biết hành vi của trường có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 32 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới, biển và đảo, lợi ích cộng đồng và hòa bình, an ninh thế giới; xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc lịch sử; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược; ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín, truyền bá tôn giáo, hủ tục, tệ nạn xã hội nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy bộ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng sách, bài giảng truyền bá mê tín, truyền bá tôn giáo nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự của Trường Trung cấp nghề B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng; buộc tiêu hủy bộ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học vi phạm đó.

Câu 10. Trường Cao đẳng văn hóa, nghệ thuật H, nhận được viện trợ của tổ chức nước ngoài. Quá trình quản lý và sử dụng viện trợ, Trường đã không theo đúng quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm của Trường Cao đẳng văn hóa, nghệ thuật H có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 33 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong cơ sở giáo dục nghiệp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quy trình vận động, tiếp nhận viện trợ;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng viện trợ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả các khoản chi không đúng quy định từ nguồn vận động tài trợ, viện trợ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên; trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng viện trợ của Trường Cao đẳng văn hóa, nghệ thuật H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính,  mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Câu 11. Anh Vũ Thanh hiện đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên HT. Quá trình theo học, Trung tâm đã thu các khoản tiền không thuộc giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Anh Thanh muốn biết hành vi của Trung tâm có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 34 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100.000.000 đồng trên 01 đơn vị tài sản;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên trên 01 đơn vị tài sản;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, xe ô tô.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thu các khoản không thuộc giá dịch vụ, phí trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Chi không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với các khoản chi không thuộc ngân sách nhà nước.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên; trường hợp không xác định được người hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi không đúng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi thu các khoản không thuộc giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Trung tâm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc hoàn trả số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả; trường hợp không xác định được người hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Câu 12. Anh Ngô Thanh Ba là Kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề A, anh đã tự ý cung cấp các thông tin liên quan đến nội dung công việc và kết quả đánh giá của đoàn đánh giá ngoài khi chưa được phép của tổ chức kiểm định. Hành vi của anh Ba có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 35, khoản 8 Điều 35 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại thẻ kiểm định viên theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin cá nhân để được tham gia đoàn đánh giá ngoài;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ kiểm định viên;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng thẻ kiểm định viên của người khác;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không đúng thực tế về kết quả kiểm định hoặc tự ý cung cấp các thông tin liên quan đến nội dung công việc và kết quả đánh giá của đoàn đánh giá ngoài khi chưa được phép của tổ chức kiểm định hoặc của cơ quan có thẩm quyền;

e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch nội dung hồ sơ đánh giá ngoài nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả đánh giá ngoài của đoàn đánh giá ngoài nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, đ, e và g khoản 1 nêu trên;

b) Tịch thu tang vật là thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c và d khoản 1 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi tự ý cung cấp các thông tin liên quan đến nội dung công việc và kết quả đánh giá của đoàn đánh giá ngoài khi chưa được phép của tổ chức kiểm định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

          Câu 13. Công ty hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục B, trong quá trình hoạt động Công ty đã làm mất giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhưng công ty không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của công ty có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi làm mất giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Công ty hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục B bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Câu 14. Anh Trương Tơ là đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia. Anh Tơ đã cho bạn mượn và sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia của anh. Hành vi của Tơ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 36, khoản 6 Điều 36 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định của đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia của người khác;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi gian lận nội dung kê khai trong hồ sơ để được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của người tham dự đánh giá kỹ năng nghề quốc gia không tuân thủ các quy định trong quy trình thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Tơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia từ 06 tháng đến 12 tháng.

Câu 15. Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề MK đã không thực hiện công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định. Hành vi của tổ chức này có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 36, điểm d khoản 7 Điều 36 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, quy định như sau:

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi làm mất hoặc bị hư hỏng, rách nát; không nộp lại giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

d) Buộc công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 nêu trên;

  Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề MK sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.567.282
Lượt truy cập hiện tại 6.806