Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tìm hiểu một số quy định pháp luật về căn cước công dân
Ngày cập nhật 09/12/2022

1. Anh Trương Văn K trú tại huyện AL hỏi: Qua theo dõi báo đài vừa qua tôi thấy có đề cập đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, xin cho biết 02 cơ sở dữ liệu là một hay khác nhau?

 Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định giải thích từ ngữ định nghĩa 02 cơ sở dữ liệu, cụ thể:

4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, qua giải thích định nghĩa nêu trên, thì đây là 02 cơ sở dữ liệu khác nhau.

2. Ông Dương K trú tại xã PS huyện PĐ hỏi: Tôi vừa được công an cấp căn cước công dân, tôi muốn biết quyền của người dân khi sử dụng căn cước công dân được quy định như thế nào?

 Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định công dân có quyền sau đây:

a) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định;

b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật;

c) Được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;

d) Sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Như vậy, quyền của công dân trong khác thác sử dụng căn cước công dân đã được quy định cụ thể như trên.

 

3. Ông Phạm D, trú tại thành phố H hỏi: Xin cho pháp luật quy định về nghĩa vụ của người dân trong sử dụng căn cước công dân?

 Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định công dân có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;

c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

d) Xuất trình thẻ Căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;

đ) Bảo quản, giữ gìn thẻ Căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;

e) Nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 của Luật này.

3. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều này.

Như vậy, nghĩa vụ của công dân trong khác thác sử dụng căn cước công dân đã được quy định cụ thể như trên.

4. Bà Trần Thị T, trú tại phường XP thành phố H hỏi: xin cho biết quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân được quy định như thế nào?

 Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 6 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân, cụ thể:

1. Thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân.

2. Chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi.

3. Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.

4. Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

5. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.

6. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này.

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dẫn đã được quy định cụ thể như trên.

5. Anh Dương Văn N, trú tại huyện PV hỏi: Tôi muốn biết pháp luật có quy định các hành vi nào bị cấm khi sử dụng căn cước công dân không? nếu có thì hành vi nào bị cấm?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 7 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, khai thác, sử dụng căn cước công dân, cụ thể:

1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

9. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật Căn cước công dân đã quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng căn cước công dân.

 

6. Bà Dương Thị Ngọc H, trú tại phường TL, thàn phố H hỏi: hiện nay, qua đọc báo tôi thấy nhà nước đang triển khai thu thập thông tin cá nhân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư. Xin cho biết thông tin của cá nhân tại cơ sở dữ liệu dân cư gồm những nội dung nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 9 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể:

1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

b) Ngày, tháng, năm sinh;

c) Giới tính;

d) Nơi đăng ký khai sinh;

đ) Quê quán;

e) Dân tộc;

g) Tôn giáo;

h) Quốc tịch;

i) Tình trạng hôn nhân;

k) Nơi thường trú;

l) Nơi ở hiện tại;

m) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

n) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

o) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;

p) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

2. Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư.

Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân.

Như vậy, các thông tin cụ thể của công dân cập nhật tại cơ sở dữ liệu dân cư được quy định cụ thể như trên.

 

7. Ông Lê Văn H, trú tại thành phố H hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định về số định danh cá nhân như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 12 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định số định danh cá nhân, cụ thể:

1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

2. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

3. Chính phủ quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.

Như vậy, số định danh cá nhân được quy định cụ thể như trên.

 

8. Anh Lý Văn L, trú tại xã LS, huyện PL hỏi: Xin cho biết pháp luật quy định nội dung thông tin cập nhật cơ sở dữ liệu căn cước công dân như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 15 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định nội dung thông tin được thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cụ thể:

a) Thông tin quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này:

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi đăng ký khai sinh;

- Quê quán;

- Dân tộc;

- Tôn giáo;

- Quốc tịch;

- Tình trạng hôn nhân;

- Nơi thường trú;

- Nơi ở hiện tại;

- Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;

- Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

b) Ảnh chân dung;

c) Đặc điểm nhân dạng;

d) Vân tay;

đ) Họ, tên gọi khác;

e) Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân;

g) Nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ;

h) Trình độ học vấn;

i) Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, thông tin được thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã quy định cụ thể như trên.

 

9. Anh Phan Văn H, trú tại xã LS, huyện PL hỏi: Xin cho quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định nội về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân, cụ thể:

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thẻ căn cước công dân có giá trị được quy định cụ thể như trên.

 

10. Anh Trần Văn V, trú tại xã PC, huyện PĐ hỏi: Xin cho biết trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, cụ thể:

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:

a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.

Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;

c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;

d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

2. Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được quy định cụ thể như trên.

11. Anh Nguyễn X, trú tại xã LV, huyện PL hỏi: Xin cho biết trường hợp nào mới được đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cụ thể:

1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này, cụ thể:

- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, anh X có thể đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trong các trường hợp nêu trên.

12. Ông Nguyễn M, trú tại huyện PL hỏi: Xin cho biết pháp luật quy định thời hạn làm cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cụ thể:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;

2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

4. Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định cụ thể như trên.

13. Ông Phạm Văn N, trú tại xã TT, Thị xã HT hỏi: Xin cho biết việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 28 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân, cụ thể:

1. Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân được Luật căn cước công dân 2014 quy định cụ thể như trên.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.571.818
Lượt truy cập hiện tại 8.610