Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 18, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhân dân đi lại ngày càng an toàn, thuận tiện.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng, quan tâm lãnh đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần quan trọng và tạo chuyển biến rõ rệt trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông: ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông được nâng lên; tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm.
Bên cạnh đó, xác định công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, hàng năm, các cơ quan, ban, ngành đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông với các khẩu hiệu tuyên truyền phong phú; duy trì, đổi mới về hình thức và nội dung tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật giao thông, như: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng hàng tuần trong chuyên mục “An toàn giao thông”, chuyên mục “Vì bình yên sông nước”...Lực lượng Công an đưa hơn 5.000 phóng sự, tin bài, chuyên trang, chuyên mục... về tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Toà án nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông thông qua các phiên toà xét xử lưu động về tội danh Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại các xã, phường, trường học. Sở Giao thông vận xây dựng hàng chục cụm panô tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố Huế. Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu đưa nội dung chấp hành pháp luật về giao thông vào các Quyết định của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh công tác giảng dạy trật tự, an toàn giao thông ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến các trường đại học, tổ chức thi tìm hiểu về trật tự an toàn giao thông như “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “Giao thông thông minh”, “An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện”, “Văn hóa giao thông - Suy nghĩ của bạn”... Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 75 đợt tuyên truyền tại các doanh nghiệp, công ty có đông công nhân với hơn 10.000 lượt người tham dự; 800 đoàn viên nghiệp đoàn xích lô, xe thồ tại các điểm du lịch. Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 93 buổi tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới, với 2.691 lượt người tham dự. Các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương…
Nhìn chung qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 18, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên được đề cao, nhất là các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế. Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các ngành, các cấp đã có chuyển biến tích cực; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cùng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó lực lượng Công an nhân dân, Ban An toàn giao thông các cấp, Sở Giao thông Vận tải đã tích cực trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, góp phần quan trọng tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt, nhất là hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông được nâng lên; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt được kéo giảm; tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra; trật tự đô thị, trật tự công cộng đi vào nề nếp; không để xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai cũng bộc lộ những hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của một số cấp ủy đảng chưa được quan tâm đúng mức; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời; chưa tích cực, quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông theo yêu cầu. Việc quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là trong điều kiện phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, nhất là tại các đô thị, quỹ đất phục vụ “giao thông tĩnh” còn bất cập. Tai nạn giao thông đường bộ tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn ở mức cao.
Để phát huy vai trò và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo tinh thần Chỉ thị 18- của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian tới có hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 của Ban Bí thư; các chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn.
- Cấp ủy đảng các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương mình phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Phải xem công tác bảo đảm an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đưa vào tiêu chí để bình xét, xếp loại thi đua hàng năm.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông. Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với Cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”...;.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; siết chặt công tác quản lý kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, quản lý phương tiện. Tập trung ưu tiên nguồn lực cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường, nút giao thông trong đô thị có mật độ giao thông lớn...
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên trách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội, phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể trong giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị.
- Tăng cường lực lượng, phương tiện, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Triển khai thực hiện tốt việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông; huy động lực lượng giải quyết tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trật tự tại các chợ, địa điểm công cộng, các điểm tham quan du lịch...
- Phát huy vai trò của lực lượng công an trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, thống kê các “điểm đen”, điểm bất hợp lý, phức tạp về an toàn giao thông và kiến nghị các biện pháp khắc phục. Quan tâm xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, có năng lực và sức chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
- Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư và các kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh ở các đơn vị để phát huy những mặt làm được, chỉ ra những thiếu sót, tồn tại để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình thực hiện; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị.