Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tọa đàm về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi)
Ngày cập nhật 25/05/2022

Ngày 16-17 tháng 5 năm 2022, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, công chức quản lý công tác bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp, công chứng viên của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tỉnh Nghệ An đến tỉnh Bình Thuận. Tọa đàm do đồng chí Đoàn Văn Hường – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì.

 

Theo Báo cáo, qua công tác tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014 cho thấy một số bất cập, vướng mắc cơ bản trong hoạt động công chứng hiện nay, như: Đội ngũ công chứng viên tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập văn phòng công chứng của công chứng viên còn dễ dãi, thiếu kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh. Việc văn phòng công chứng chỉ được hoạt động theo một loại hình duy nhất là công ty hợp danh bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý. Hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số. Công tác quản lý nhà nước, tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn hạn chế,…

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa, dự án Luật tập trung sửa đổi những nội dung chính, gồm: Quy định rõ hơn phạm vi hoạt động của công chứng và chứng thực; sửa đổi, bổ sung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực; sửa đổi, bổ sung quy định quản lý nhà nước và về tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV; bổ sung quy định để từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.

Tham gia góp ý đối với nội dung Đề cương xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), đa số các đại biểu tham dự Tọa đàm thống nhất về các nội dung: Bãi bỏ công chứng bản dịch, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng,...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận các vấn đề: Có nên quy định chi tiết phạm vi các vụ việc phải được công chứng trong Luật Công chứng (sửa đổi) không; việc xác định hai mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư pháp và công ty hợp danh; việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng; đề nghị phải quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; quy định nhiệm kỳ của công chứng viên là 5 năm và hành nghề theo địa bàn cấp tỉnh; quy định số lượng giao dịch tối đa, tối thiểu của công chứng viên trong một quý; công chứng viên không được thành lập hoặc tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh; quy định về quy hoạch công chứng; việc công chứng của Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã đối với hợp đồng, giao dịch ở những địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng; việc sửa đổi Luật Công chứng đặt trong bối cảnh Nhà nước đang tăng cường chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản và phân cấp thủ tục hành chính; quy định về bảo hiểm công chứng viên; Hội Công chứng....

Các ý kiến đóng góp sẽ được Cơ quan soạn thảo tổng hợp, xem xét trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đảm bảo nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 9.355