Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5510 văn bản đã được ban hành.
Tại Thừa Thiên Huế, năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao, công tác tư pháp được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả cao. Nổi bật là công tác xây dựng văn bản QPPL được tiến hành bài bản hơn ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới bằng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật được đẩy mạnh, góp phần ngăn ngừa các hành vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật đặc biệt được chú trọng triển khai thực hiện… kết quả trong năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Tư pháp xếp vị trí 20/63 tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương (tăng 12 bậc so với năm 2020).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tư pháp, nhất là trong phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa...; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về chất lượng các quy định pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự báo, tình hình năm 2022 có những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó Bộ, ngành Tư pháp cần có tâm thế, chuẩn bị tốt hơn để thực hiện các nhiệm vụ. Năm 2022 là năm bản lề để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra; cũng như trước đòi hỏi về môi trường pháp lý ngày càng cao của nhân dân và từ thực tiễn để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mọi người dân, doanh nghiệp phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, vì đây là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định từ Đại hội lần thứ XI. Trong đó cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Bám sát đường lối chủ trương của Đảng mà cụ thể là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội; trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới sáng tạo để hoàn thiện, xây dựng, phổ biến, thực thi, giám sát pháp luật. Đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho phát triển. Trong đó đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sơ vật chất; đầu tư tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác.
Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chủ động đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Thủ tướng nhấn mạnh phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, Hội Luật gia, Hội Luật sư. Cùng với đó là lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các ý kiến phản biện, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.