Theo đó, Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng bao gồm:
- Tiêu chí phải bảo đảm tính định lượng: Tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực có thể xây dựng dưới dạng định tính hoặc định lượng. Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, minh bạch thì các tiêu chí cần được lượng hóa. Những tiêu chí không thể lượng hóa được như chỉ tiêu đánh giá độ mạnh của thương hiệu, biểu trưng văn hóa địa phương… thì cần có tiêu chí trung gian khác để làm cơ sở đánh giá.
- Tiêu chí phải bảo đảm tính khách quan, khoa học: Tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực được xây dựng dựa trên các số liệu, dữ kiện khách quan, không áp đặt theo cảm tính hay ý chí chủ quan. Đồng thời phải phù hợp với các yếu tố kinh tế, văn hóa - xã hội.
- Tiêu chí phải bảo đảm tính đặc trưng của địa phương: Tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực phải thể hiện được những đặc trưng của từng vùng, miền. Đây là cơ sở phân biệt một hàng hóa của địa phương này với hàng hóa của địa phương khác.
- Tiêu chí phải bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện: Xây dựng tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực không nên sử dụng các mô hình toán phức tạp, làm cho việc áp dụng tiêu chí vào thực tế gặp khó khăn phức tạp.
- Tiêu chí phải bảo đảm tính công khai: Tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực của địa phương cần được xây dựng và góp ý công khai, công bố rộng rãi cho mọi đối tượng có liên quan đều biết.
Nguyên tắc lựa chọn sản phẩm chủ lực:
- Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí và đạt số điểm từ 65 điểm trở lên theo Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm cấp huyện tại quy định tại Điều 4 Quy định này được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp huyện;
- Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí và đạt số điểm từ 80 điểm trở lên theo Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm cấp huyện được chọn là sản phẩm chủ lực cấp huyện đăng ký xét công nhận là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh;
- Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí và đạt số điểm từ 65 điểm trở lên theo Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm cấp tỉnh được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh;
- Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí và đạt số điểm từ 80 điểm trở lên theo Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm cấp tỉnh được chọn đăng ký công nhận là sản phẩm chủ lực định hướng cấp Quốc gia.
- Tùy theo thời điểm và điều kiện cụ thể hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể xem xét mức điểm phù hợp (nhưng không thấp hơn 50 điểm) theo Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm cấp tỉnh tại Quy định này để lựa chọn sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm chủ lực định hướng cấp Quốc gia.
- Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp huyện được xem như là sản phẩm chủ lực địa phương.
Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực cấp huyện bao gồm:
- Tiêu chí 1: Tiêu chí về vùng nguyên liệu, nguồn cung ứng đầu vào của sản phẩm. Bao gồm: Quy mô vùng nguyên liệu; Tính chất vùng nguyên liệu (tính chủ động, chất lượng nguyên liệu đảm bảo…); Định hướng vùng nguyên liệu (Tối đa 10 điểm).
- Tiêu chí 2: Tiêu chí về sản xuất sản phẩm. Bao gồm: Quy mô sản xuất sản phẩm; Giá trị sản xuất của sản phẩm; Sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc sản phẩm OCOP; Số doanh nghiệp/cơ sở có tham gia vào một số khâu của chuỗi giá trị (Tối đa 20 điểm).
- Tiêu chí 3: Tiêu chí về sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Bao gồm: Thiết bị, công nghệ; Trình độ nhân lực công nghệ; Ứng dụng công nghệ thông tin (Tối đa 12 điểm).
- Tiêu chí 4: Tiêu chí về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bao gồm: Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Gắn mã số, mã vạch; công bố hợp chuẩn, hợp quy; Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới), mẫu mã, kiểu dáng đẹp. (Tối đa 18 điểm).
- Tiêu chí 5: Tiêu chí về thị trường tiêu thụ. Bao gồm: Sản phẩm được tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước; Tham gia một số khâu trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm; Khả năng xuất khẩu; Khả năng cạnh tranh trên thị trường. (Tối đa 15 điểm).
- Tiêu chí 6: Tiêu chí về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Bao gồm: Nộp ngân sách; Khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; Tạo công ăn việc làm cho người lao động và các khoản đóng góp xã hội, từ thiện; Bảo vệ môi trường; Các hình thức được vinh danh. (Tối đa 25 điểm).