Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giải đáp một số tình huống pháp luật về Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự
Ngày cập nhật 22/10/2021

1. Nắm được tâm lý của một số cô gái trẻ muốn được lấy chồng ngoại quốc để đổi đời, Phan Văn Nhân tự giới thiệu bản thân là chuyên gia môi giới kết hôn và nhắm vào các đối tượng là thiếu nữ từ 18 đến 22 tuổi, đây thực chất là đường dây buôn bán phụ nữ sang các cơ sở mua bán dâm tại nước ngoài. Tuy nhiên, việc làm của Nhân đã bị người dân kịp thời phát giác và trình báo cơ quan chức năng. Vậy, hành vi này của Nhân sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài như sau:

1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;

b) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

2. Trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 150 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội mua bán người như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Như vậy, trường hợp này, Phan Văn Nhân đã có hành vi lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài nhằm tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, do đó, Phan Văn Nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm về tội mua bán người theo quy định tại Khoản 1 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.

 

2. Lợi dụng lòng tin của nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập, Nguyễn Thị Na đã cấu kết với một số đối tượng thành lập Công ty môi giới lao động LĐ, tuyển 05 lao động trẻ (trên 18 tuổi) đi Hàn Quốc để làm công nhân tại nhà máy thủy hải sản nhưng thực chất là để bán cho các gia đình tại đây để làm người giúp việc. Hành vi này của Nguyễn Thị Na có vi phạm pháp luật về mua bán người không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 5 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài như sau:

1. Người sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và chuyển giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) để chuyển giao cho phía nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

2. Người sử dụng thủ đoạn môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (như: sau khi nhận tiền của người lao động đã chiếm đoạt và bỏ trốn, không thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

3. Người tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc không vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép hoặc tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 150 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội mua bán người như sau:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì động cơ đê hèn;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;

e) Phạm tội 02 lần trở lên.

Trường hợp này, Nguyễn Thị Na biết người lao ra nước ngoài sẽ bị cưỡng bức lao động nhưng vẫn tổ chức lừa gạt người lao động và chuyển giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác, do đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 08 năm đến 15 năm về tội mua bán người theo quy định tại Khoản 2 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.

 

3. Vì mong muốn kiếm được nhiều tiền, Phạm Thị Ái đã gia nhập đường dây mua bán người. Qua theo dõi, Phạm Thị Ái đã lừa bán một người phụ nữ trẻ cho Nguyễn Nhật. Sau đó, Ái đã thông đồng với Nhật chuốc thuốc mê, phẫu thuật lấy giác mạc của cô gái đem bán cho bệnh viện với giá cao. Hành vi này của Phạm Thị Ái và Nguyễn Nhật bị xử phạt với mức hình phạt nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 6 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân như sau:

1. Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan...), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự.

2. Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, nếu gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân chết do bị nhiễm trùng hoặc tự sát thì tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 150 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội mua bán người như sau:

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

đ) Đối với 06 người trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Phạm Thị Ái và Nguyễn Nhật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

 

4. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về luật pháp của chị Trần Anh, Lê Cẩm Vân đã thuyết phục chị Anh giao con cho Vân để làm thủ tục nhận nuôi con nuôi ở một gia đình giàu có nhưng thực chất là bán sang cơ sở bóc lột sức lao động trẻ em. Hành vi này của Vân sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi như sau:

1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

2. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 151 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Như vậy, hành vi của Lê Cẩm Vân là vi phạm pháp luật hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi và sẽ bị xử phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

 

5. Dương Văn Nam được biết gia đình chị Lê Thuận hiếm muộn con đã hơn 10 năm nay. Tình cờ Nam cũng biết ở quê ngoại Nam có gia đình đông con nhưng kinh tế không đủ để sinh hoạt. Nam đã nhận môi giới cho chị Thuận đến xin gia đình này một đứa con để làm con nuôi và được gia đình đồng ý. Sau khi thủ tục nhận nuôi con nuôi hoàn tất, chị Thuận có gửi Nam số tiền 3.500.000 để bồi dưỡng. Trường hợp này hành vi của Nam có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi như sau:

1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

2. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Căn cứ quy định nêu trên, chị Thuận thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi nên Nam đã môi giới chị Thuận xin con nuôi của gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con và gia đình đó cũng tự nguyện cho con mình được nhận làm con nuôi. Số tiền 3.500.000 đồng là do chị Thuận tự nguyện để cám ơn Nam. Do đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên Nam không vi phạm pháp luật và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

6. Nguyễn Đình Việt là cán bộ thôn. Do thói cờ bạc nên thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Gần đây Việt được biết ông Trần Ngân, tuy không đủ điều kiện để được nhận con nuôi nhưng vẫn muốn nhận nuôi 2-3 trẻ em gái với mục đích xấu. Việt đã nhận của ông Ngân số tiền 80.000.000 đồng để hoàn tất các thủ tục cho ông Ngân nhận 03 đứa con nuôi. Hành vi này của Việt có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi như sau:

1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

2. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Đồng thời tại Khoản 2 Điều 151 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 02 người đến 05 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Nguyễn Đình Việt là vi phạm pháp luật hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi và sẽ bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.578.724
Lượt truy cập hiện tại 813