Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Khi pháp chế “bắt tay” với truyền thông, quảng cáo
Ngày cập nhật 18/10/2021

Công ty TNHH HK đang chuẩn bị ra mắt thương hiệu thời trang mới. Tại buổi họp do Giám đốc công ty là ông Trần Vinh Thành chủ trì cùng sự tham gia của các phòng, ban thuộc công ty, ông Trần Vinh Thành yêu cầu chị Lê Ngọc Sương là Trưởng bộ phần quảng cáo, maketinh phải xây dựng được lược quảng cáo trên nhiều phương tiện, đặc biệt chú trọng phương thức quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử. Do đây là thương hiệu thời trang có hướng tới đối tượng là người nước ngoài nên ngôn ngữ trong quảng cáo phải sử dụng 02 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh, chữ viết tiếng Anh lớn hơn chữ tiếng Việt để thu hút đối tượng khách hàng mà thương hiệu thời trang này hướng tới.

 

Tiếp nhận chỉ đạo của Giám đốc, chị Sương cùng các đồng sự trăn trở tìm ý tưởng để xây dựng chương trình quảng cáo đạt được mục tiêu. Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo việc tìm kiến, xây dựng ý tưởng quảng cáo, chị Sương tổ chức họp lại nhóm cộng sự của bộ phận quảng cáo, maketinh.

 Anh Hoàng đề xuất: tôi cho rằng, cần áp dụng nhiều hình thức quảng để có thể hướng đến nhóm đối tượng khách hàng thông qua nhiều kênh thông tin. Cụ thể: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của công ty HK; trên truyền hình, đài phát thanh; màn hình chuyên quảng cáo ngay trung tâm thành phố; nhắn tin cho khách hàng thân thiết của công ty. Với sự tác động đa chiều của các phương thức quảng cáo, kiểu gì nhóm đối tượng khách hàng cũng nắm bắt thông tin và có xu hướng tìm hiểu.

Chị Thu Mai có ý kiến về nội dung quảng cáo: đối tượng khách hàng chúng ta nhắm đến là thanh niên trẻ có trí thức, văn hóa và người trẻ nước ngoài cả trong và ngoài nước. Đây là đối tượng rất năng động, nhạy cảm với sự đổi mới, yêu thích cá tính, đối với thanh niên trẻ người Việt thì sành ngoại ngữ và thích thể hiện bản thân qua việc sử dụng ngoại ngữ. Vì vậy, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo là rất quan trọng. Chúng ta có thể xây dựng nội dung với 02 ngôn ngữ Việt, Anh, trong đó ưu tiên nói, viết tiếng Anh trước, tiếng Việt sau, cỡ chữ của tiếng Anh cũng lớn hơn để thu hút đối tượng khách hàng.

Chị Thùy Trang nêu ý kiến về nội dung và slogan cho thương hiệu thời trang mới.

Sau khi thảo luận, chị Sương kết luận: các ý tưởng của các bạn khá tốt và phù hợp với chủ trương phát triển thương hiệu thời trang của công ty. Tôi sẽ để các bạn hoàn thành ý tưởng và thể hiện tất cả qua một kế hoạch thực hiện cụ thể trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày hôm nay. Sau đó, các bạn gửi lại tôi và tôi sẽ trưng cầu thêm ý kiến của chuyên viên tư vấn pháp lý của công ty để đảm bảo việc thực hiện của chúng ta là đúng pháp luật.

Theo yêu cầu của Trưởng bộ phận, một bản kế hoạch quảng cáo đã hoàn thiện với đầy đủ những nội dung cơ bản nhất, được gửi đến chuyên viên tư vấn pháp lý của công ty là anh Trần Quang Phú.

Tại buổi họp thứ hai của bộ phận quảng cáo, makettinh, công ty HK, có thêm sự tham gia của anh Trần Quang Phú. Anh Phú phát biểu:

Tôi nghĩ kế hoạch quảng cáo cho thương hiệu thời trang mới của các bạn hay, thiết thực, phù hợp với đối tượng. Tuy nhiên, có một số vấn đề pháp lý tôi cần nêu ra để mọi người suy nghĩ, xem xét thêm:

- Các hình thức quảng cáo mà kế hoạch nêu, gồm: qua Trang thông tin điện tử, báo điện tử, màn hình chuyên quảng cáo, qua báo chí đều là những phương tiện quảng cáo (quy định tại khoản 17 Luật Quảng cáo năm 2012).

- Kế hoạch đề ra yêu cầu: cỡ chữ viết,tiếng Anh lớn hơn tiếng Việt và đặt trước tiếng Việt. Trong khi đó, Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo như sau:

“1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.

Ngoài ra, từng hình thức quảng cáo đều được quy định cụ thể tại Luật Quảng cáo năm 2012: quảng cáo trên báo in (Điều 21); quảng cáo trên báo nói, báo hình (Điều 22); quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23); quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác (Điêu 24); quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình (Điều 26); quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo (Điều 28),...

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021), một số hành vi cần lưu ý:

“Điều 35. Vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài; các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài;

b) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và không đặt bên dưới chữ tiếng Việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 48 Nghị định này;

c) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

Ngoài ra, một số hành vi cũng cần lưu ý để xây dựng nội dung quảng cáo không vi phạm các hành vi bị cấm được nêu tại Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, như:  Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; quảng cáo có tính chất xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật,... bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi,...

 Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP).

Sau khi nêu và phân tích các quy định pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, anh Phú chỉ ra một số nội dung trong bảng kế hoạch quảng cáo của bộ phận quảng cáo, makettin để các anh/chị ở đây xem xét, thảo luận thêm, đi đến thống nhất, báo cáo Giám đốc triển khai thực hiện.

Được biết, kết quả của chiến lược quảng cáo thương hiệu thời trang mới đã rất thành công, đóng góp không nhỏ vào việc tăng doanh thu của công ty TNHH HK trong năm đó. Trong đó, báo cáo đánh giá tổng thể quá trình thực hiện chương trình này của công ty HK đã nhấn mạnh đến vai trò của bộ phận pháp chế trong việc ngăn ngừa, phát hiện, tham mưu tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề về pháp lý, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả./.

 

 

 

 

 

Câu chuyện pháp luật

“Cần nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cách ly y tế

của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”

 

 

Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên trong và lây nhiễm từ bên ngoài vào địa phương là rất cao, số người được xét nghiệm dương tính với Covid -19 đang có chiều hướng gia tăng, thì anh B thường trú tại huyện X là lao động trở về từ thành phố HCM. Khi về địa phương, anh B được cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi được cách ly, B được đưa vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh H do bị đau ở vùng ngực, bụng, lưng, tay mặc dù sức khoẻ vẫn bình thường, không sốt, không ho. Qua khai báo y tế ban đầu, anh B cho biết đã thuê xe từ thành phố HCM về thành phố H với giá 5 triệu đồng mỗi người.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh H, sau khi được chăm sóc y tế, B đã tỉnh táo, không sốt. Nhưng đến khoảng 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, bác sĩ trong Khoa Truyền nhiễm phát hiện B đã không còn ở trong phòng bệnh cách ly của Bệnh viện.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện đa khoa tỉnh H đã báo cáo Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh H, để thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp, khẩn trương truy tìm bệnh nhân bỏ trốn cách ly.

Từ tình huống ở trên chúng ta thấy hành vi trốn khỏi nơi cách ly để phòng, chống dịch Covid -19 của anh B là vi phạm pháp luật. Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Do đó hành vi "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" là một trong 07 hành vi bị nghiêm cấm nêu trên. Những trường hợp cố tình không tuân thủ các yêu cầu cách ly hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

- Về xử lý vi phạm hành chính:

Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này”.

Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định:

“4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.”

Theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nêu trên thì hành vi của anh B sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế , cưỡng chế cách ly y tế.

- Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại điểm 1.1, điểm 1.2 mục 1 Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 3 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 thì trường hợp anh B bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

(i) Nếu B gây lây truyền dịch bệnh Covid - 19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

(ii) Nếu B gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Chính vì vậy, khi đã có quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị người được cách ly chấp hành nghiêm chỉnh để bảo đảm không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này./.

 

 

 

 

 

 

 

Câu chuyện: Khi con nhà tông mà chả giống lông hay giống cánh

 

  Anh Hải và chị Phương, sống tại thành phố H, đã kết hôn từ năm 2011 và có với nhau 01 người con tên Khang. Hai vợ chồng anh yêu thương, hạnh phúc, đầm ấm. Tuy nhiên, bé Khang càng lớn càng không giống người trong nhà. Ông bà nội và bà con thường hay trêu đùa, bé Khang cứ như vịt con lạc vào nhà thiên nga, do cả nhà ai cũng trắng trẻo, mũi cao mà bé lại da ngăm, mũi thấp.

  Đến tháng 3 năm 2021, anh Hải cảm thấy có nhiều khúc mắc trong cuộc sống nên đã quyết định giấu vợ đưa con đi xét nghiệm AND nhằm xác định quan hệ huyết thống. Khi đó, anh Hải chỉ nghĩ làm như vậy để chắc chắn chuyện tình cảm của vợ chứ chưa hề nghi ngờ điều gì. Thật chẳng ngờ, kết quả nhận được kiến anh Hải ngỡ ngàng: bé Khang không phải là con ruột của anh, mà là con của một người đàn ông khác. Sự thật này khiến anh Hải vô cùng tức giận và bất mãn. Anh tìm đến luật sư, yêu cầu tư vấn các thủ tục ly hôn và quy định xử hành chính đối với vợ anh vì đã phản bội, chung sống, có con với người đàn ông khác trong khi vẫn đang là vợ hợp pháp của anh. Theo luật sư, hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 cuả Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

  Khi hay tin bé Khang không phải là con ruột của anh Hải, chị Phương cũng rất bất ngờ, vì bản thân chị luôn yêu thương, chung thủy hết mực với chồng. Bằng linh tính, chị tìm đến trung tâm xét nghiệm AND để xác định quan hệ huyết thống giữa chị và bé Khang. Mặc dù kết quả đúng như suy đoán nhưng chị Phương vẫn rất bất ngờ: chị và bé Khang không cùng huyết thống, không phải là mẹ con.

  Chị quay trở lại bệnh viện phụ sản (nơi chị sinh bé Khang) để tìm hiểu thì được biết: vào giờ chị sinh, ngoài bé Khang thì còn có 05 người phụ nữ khác, sinh được có 01 trai và 04 gái. Theo hồ sơ lưu bệnh viện cung cấp, chị tìm đến địa chỉ nhà chị Minh (là người phụ nữ đã sinh bé trai). Đến trước cửa, chị thấy một cậu bé đang quét sân, ngước mắt nhìn chị với ánh nhìn lạ lạ. Chị Phương nhìn cậu bé mà cứ ngỡ như là hình ảnh thu nhỏ của anh Hải. Bằng linh tính của một người mẹ, chị biết đây là con của chị và anh Hải. Trở về nhà, chị đưa kết quả xét nghiệm, ảnh chị chụp được của con chị Minh. Anh Hải bật khóc và xin lỗi chị vì những hiểu lầm, những lời nói hằn học, khó nghe mà anh đã nói ra khi nghĩ chị đã phản bội anh.   

  Sau khi trao đổi với khoa sản, Bệnh viện phụ sản H và làm việc với các nữ hộ lý tham gia ca trực ngày chị Phương sinh thì mới vỡ lẽ: do sự tắc trách, bất cẩn nên đã trao nhầm con, gây ra sự tổn thương lớn cho cả hai gia đình chị Phương và chị Minh. Sau một thời gian nổ lực, tiếp cận, làm quen để có thể làm cho Khang, Quân hiểu được ai mới là bố mẹ đẻ của mình, hai gia đình đã thỏa thuận việc bàn giao con cho nhau.

  Đây là một câu chuyện có thật nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Người viết muốn truyền tải đến thông điệp, đừng vội nghi ngờ người cùng chung chăn gối phản bội mình vì đôi khi sự thật không như ý nghĩ chủ quan của bản thân. Sự nghi ngờ, những lời nói hằn học, khó nghe trong lúc nóng giận sẽ là vết dao cứa và để lại sẹo khó phai trong tim người bạn đời của mình./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT

Thuê người giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến

hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch

 

 
 

 

 

 

Sinh thời, khi đang còn là cán bộ của một xí nghiệp dược phẩm, vợ chồng ông Lê Văn T và bà Trần Thị L được xí nghiệp bố trí cho một căn nhà tập thể với diện tích 65,7m2 để ở. Về sau, khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai, nhà ở, ông, bà được Nhà nước hóa giá căn nhà tập thể nói trên. Sau khi ông, bà hoàn tất các thủ tục hóa giá và thực hiện nghĩa vụ tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định giao đất cho ông, bà và Sở Xây dựng cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với căn nhà này. Nhờ lao động chăm chỉ và dành dụm, tích cóp, ông, bà đã tiên hành sửa chữa, tu bổ khang trang hơn. Rồi ông, bà lần lượt qua đời mà không để lại di chúc.

Sau khi ông, bà qua đời, hai người con có gia đình và ra ở riêng. Người con thứ hai là anh V cùng vợ con ở lại trong ngôi nhà ông, bà để lại. Do bận mưu sinh, cả ba người con không bận tâm lắm đến việc làm các thủ tục thừa kế cho đến khi địa phương có chủ trương làm giấy tờ nhà đất để phục vụ công tác quản lý chung.

Thực hiện chủ trương này, cả 3 người con đã quyết định làm các thủ tục thừa kế và giao cho người con thứ hai là anh V liên hệ cơ quan chức năng để làm giấy tờ. Những người con của ông, bà không muốn phân chia ngôi nhà và muốn giữ lại làm nơi thờ tự cha mẹ. Phần thì bận rộn, phần thì thiếu hiểu biết pháp luật, anh V đã tìm đến P là người chuyên cò mồi trong lĩnh vực nhà đất. Lợi dụng sự thiếu hiểu của anh V, P đã vin vào lý do giấy tờ được cấp đã lâu, không còn giá trị và bịa ra những khó khăn nhằm mục đích để anh V phải bỏ ra số tiền lớn nếu muốn làm thủ tục thừa kế.

Nhờ bạn thân mách bảo, anh V đã trực tiếp đến Văn phòng công chứng NHS và được công chứng viên S hướng dẫn cụ thể. Anh S đã hướng dẫn anh V về quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014.

Theo đó, “1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này”.

Vui mừng vì các quy định của pháp luật liên quan đã đáp ứng được nguyện vọng của mình, các con của ông, bà đã đến Văn phòng công chứng NHS gặp công chứng viên để thực hiện các thủ tục về công chứng văn bản khai nhận di sản. Sau đó, họ đã làm xong các thủ tục, thực hiện nghĩa vụ tài chính và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên của cả 3 người con của ông, bà là anh G, anh V và chị X và giao cho anh V giữ Giấy chứng nhận.

Thời gian qua đi, mọi việc vẫn bình thường cho đến khi anh V vì muốn có thêm vốn cho công việc kinh doanh của mình nên có ý định thế chấp căn nhà đứng tên chung cả 3 anh em để vay vốn ngân hàng.  Do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên cả 3 người nên anh V đã hỏi ý kiến của anh trai và em gái. Vì lo ngại những rủi ro có thể xảy ra trong việc kinh doanh của anh V, nên anh G và chị H không đồng ý làm thủ tục thế chấp căn nhà trên, nhưng lại cả tin, sơ suất không lấy lại các giấy tờ tùy thân của bản thân đã giao cho anh V để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trước đó.

Công việc kinh doanh ngày càng khó khăn do thiếu vốn, nên anh V đã bất chấp ý kiến của anh trai và em gái. Qua bạn bè giới thiệu, anh tìm đến ông N chuyên môi giới trong lĩnh vực nhà đất và được ông này gợi ý thuê người đóng vai anh G và chị H để qua mặt công chứng viên. Sau đó, anh V cùng với những người đóng vai anh G và chị H đến Văn phòng công chứng NVK làm các thủ tục thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, Văn phòng công chứng NVK đã phát hiện hành vi này của anh V.

Liên quan đến hành vi này của anh V là quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5  Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP), như sau:

“Điều 12. Hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;

d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;

đ) Cản trở hoạt động công chứng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3 Điều này;

b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này;

c) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.”

Khoản 4, khoản 5  Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định:

“4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.”

Với hành vi thuê người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng để công chứng hợp đồng, anh V đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP và bị người có thẩm quyền phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Văn phòng công chứng NVK bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm của anh V theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người coi thường pháp luật, bất chấp tình thân để làm những việc trái pháp luật, ảnh hưởng tình cảm anh em ruột thịt. Cũng là bài học kinh nghiệm đối với mọi người trong việc quản lý giấy tờ tùy thân. Nếu quản lý không tốt có thể dẫn tới những sự việc, hệ lụy khó lường./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu chuyện pháp luật

Cơ sở sản xuất bánh mì và thuốc diệt chuột

 

Vợ chồng anh Trần Hùng được kế nghiệp cơ sở sản xuất bánh mì của gia đình anh Hùng để lại nhiều năm qua. Vài năm gần đây để nâng cao chất lượng, cạnh tranh với thị trường, vợ chồng anh đã mua sắm máy nhào bột, lò nướng bằng điện thay cho việc nhào bột bằng tay, lò nướng bằng than củi. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Hùng nhiều năm không được cải tạo nên ngày càng ẩm thấp, nhiều vật dụng trước đây để dùng chế biến bánh mì thủ công không dùng đến nữa vợ chồng anh vẫn chất đống ở đó, bột và các nguyên liệu dùng làm bánh mì để vương vãi, không cất đậy kĩ càng nên bị chuột đến cắn phá, leo nhảy lên khắp nơi. Vậy là anh Hùng đã đi mua mấy gói thuốc diệt chuột và mỗi đêm đều dùng để rải những góc ngách nhằm diệt chuột. Vợ anh đã nhiều lần khuyên can anh không được sử dụng thuốc diệt chuột rải khắp nơi ở khu bếp như vậy, không may những viên thuốc đó bị lẫn vào nguyên liệu làm mì, chuột tha chạy văng vãi lên dụng cụ, nguyên liệu làm mì thì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nếu ăn phải, như vậy là phạm pháp. Anh Hùng bảo vợ hay cằn nhằn, chuột phá thì diệt chuột chứ làm gì đâu mà phạm pháp.

Từ tình huống trên chúng ta thấy cơ sở sản xuất bánh mì của vợ chồng anh Hùng đã vi phạm Khoản 1 Điều 20 Luật An toàn thực phẩm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm:

“1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện về bảo quản thực phẩm sau đây:

a) Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

b) Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

c) Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.”

Như vậy, cơ sở sản xuất bánh mì của vợ chồng anh Hùng đã không bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản, không ngăn ngừa được ảnh hưởng của côn trùng, động vật đến nguyên liệu chế biến.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định:

“Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Khoản 3, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;

b) Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác đối với nguyên liệu, sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực chứa đựng, kho bảo quản;

đ) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

e) Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan;

g) Khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai không kín; không tách biệt với các khu vực khác; không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hoặc không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm;

b) Không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải, nguyên liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm bị hỏng, hết hạn sử dụng với các nguyên liệu và sản phẩm phục vụ để sản xuất, kinh doanh;

c) Bảo quản nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm đó hoặc không phù hợp với điều kiện bảo quản do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm đã công bố;

d) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật;

đ) Sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng không phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

e) Sử dụng hoá chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.”

Như vậy, cơ sở sản xuất bánh mì của anh Hùng có các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 3 và điểm e khoản 4 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, sẽ bị xử lý hình phạt tiền đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 là từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và tại khoản 4 Điều 9 là từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Gộp hai hành vi bị xử lý hình phạt tiền là từ 12.000.000 đồng đến 17.000.000 đồng.

Tình huống trên, chúng ta có thể đã từng bắt gặp tại các khu bếp của các nhà hàng, khu chế biến tại các quán ăn vỉa hè, khu chế biến thực phẩm tại các nhà xưởng…gây mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy, cần sự chung tay của cá nhân, tổ chức, người quản lý, người sản xuất, đến người tiêu dùng phải đồng lòng thực hiện an toàn thực phẩm với mục tiêu giữ gìn sức khoẻ cho thế hệ chúng ta hôm nay và cả thế hệ tương lai.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.578.753
Lượt truy cập hiện tại 833