Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 15/04/2021

Ngày 03 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND kèm theo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4  năm 2021 và thay thế các Quyết định: Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định số 103/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp. Theo đó:

 

Về vị trí và chức năng

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của Ủy ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Về nhiệm vụ và quyền hạn

Theo quy định tại Quyết định, Sở Tư pháp có 36 nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể về trình Ủy ban nhân dân tỉnh; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực tư pháp đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; tổ chức thực hiện chi tiết các nội dung công việc theo vị trí, chức năng của Sở Tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Sở Tư pháp:

a) Sở Tư pháp có Giám đốc và các Phó Giám đốc.

Số lượng Phó Giám đốc do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Giám đốc Sở là Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, người đứng đầu Sở Tư pháp, lãnh đạo công tác của Sở; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Phó Giám đốc Sở là chức danh lãnh đạo, quản lý, giúp Giám đốc Sở phụ trách, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được Giám đốc Sở  phân công; thay mặt Giám đốc Sở điều hành công việc của Sở Tư pháp khi được ủy quyền; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;

d) Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân  tỉnh quyết định theo quy định của Đảng, nhà nước về công tác cán bộ và theo đúng tiêu chuẩn chức danh do Bộ Tư pháp quy định;

đ) Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp gồm:

a) Phòng chuyên môn nghiệp vụ:

- Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

- Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Phòng Hành chính tư pháp;

- Phòng Bổ trợ tư pháp;

b) Văn phòng Sở;

c) Thanh tra Sở;

d) Các đơn vị sự nghiệp:

- Phòng Công chứng số 1;

- Phòng Công chứng số 2;

- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước;

- Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản;

Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, quy định này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, thẩm định của Giám đốc Sở Nội vụ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Thiên An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.321.859
Lượt truy cập hiện tại 19.246