Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 19 tháng 8 năm 2016 theo Quyết định số 1642/QĐ-TTg (gọi tắt là Tổ công tác). Tổ công tác có 11 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (hiện nay, Tổ công tác có 10 đồng chí – giảm 01 đồng chí do nghỉ hưu). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu đề ra; có ý kiến về sự phù hợp của nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao so với thực tiễn; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; định kỳ hàng tháng hoặc sau mỗi đợt kiểm tra, báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau 05 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 02 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, gồm: 18 cuộc về thực hiện nhiệm vụ giao; 12 cuộc về công tác hoàn thiện thể chế; 21 cuộc về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; 19 cuộc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng; 10 cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; 14 cuộc về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; 08 cuộc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác; 01 cuộc về việc thực hiện các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chống lẩn tránh biện phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ; 01 cuộc về thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan; 01 cuộc việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến thanh toán, trả nợ nước ngoài. Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với cơ quan, Hiệp hội. Qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống; nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng tróng pháp lý, nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương; nhiều bất cập yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.
Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đạt được kết quả quan trọng. Qua các cuộc kiểm tra đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về yêu cầu xây dựng thể chế là việc làm chủ động, thường xuyên, tháo gỡ để phát triển được quán triệt sâu sắc, triệt để.
Tổ công tác kịp thời phát hiện nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật hiện hành và đã tham mưu, kiến nghị cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho tác quản lý nhà nước và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi, như việc Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2019/NĐ-CP về quản lý phân bón (thống nhất 01 đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón), Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn... Đồng thời, quán triệt yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phải từ bỏ tư tưởng “cài cắm”, “tham nhũng chính sách”, phải rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không phù hợp với quan điểm, tư tưởng xây dựng chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới tư duy xây dựng văn bản, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch để hướng tới sự thống nhất, đồng bộ; từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đặc biệt, sau các cuộc kiểm tra của Tổ công tác trong năm 2020 về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tiếp tục tạo dấu ấn cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết theo hướng “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 02 Nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 01Nghị định chỉ ban hành 01 Thông tư hướng dẫn” nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật của người dân. Cụ thể: Trong năm 2020, các Bộ đã thực hiện việc tích hợp 49 văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực từ 01/01/2021 còn 28 văn bản – giảm 21 văn bản so với phân công.
Đôn đốc các bộ, cơ quan tập trung, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo dư địa cho tăng trưởng. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, hầu hết các văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, pháp lệnh. Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay – chỉ còn nợ đọng 03 văn bản quy định chi tiết của năm 2020 (cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản). Trong đó năm 2017 – là năm đầu tiên không nợ văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ.