Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ, HÓA ĐƠN
Ngày cập nhật 11/03/2021

 

1. Anh Danh nhân viên công ty M cho biết, do tình hình dịch bệnh nên công ty M phải tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo. Vậy, việc không thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty M có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đăng ký thuế; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá thời hạn quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên;

c) Không thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đăng ký thuế; thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên;

b) Không thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty M có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

2. Khi tiến hành kiểm tra công ty C, đoàn kiểm tra phát hiện công ty C không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế. Vậy, đối với hành vi này, công ty C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định như sau:

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

b) Không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

6. Quy định tại Điều này không áp dụng đối với trường hợp sau đây:

a) Cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân;

b) Cơ quan chi trả thu nhập chậm thông báo thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi người nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân được cấp thẻ căn cước công dân;

c) Thông báo thay đổi thông tin trên hồ sơ đăng ký thuế về địa chỉ người nộp thuế quá thời hạn quy định do thay đổi địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Nghị quyết của Quốc hội.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty C sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Đồng thời, công ty C buộc phải nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế.

3. Anh Quân vừa được nhận vào làm nhân viên kế toán tại công ty TA. Do mới vào làm nên tiến độ làm việc của anh Quân còn chậm. Do đó, anh đã nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn 70 ngày. Anh Quân hỏi: việc nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn của công ty TA có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4, khoản 6 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 nêu trên trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế; buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty TA sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đồng thời, buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm.

          4. Chị Hoa là kế toán mới được tuyển dụng của công ty SM thay cho chị  Phương kế toán cũ nghỉ việc. Khi tiếp nhận công việc, chị Hoa đã thực hiện cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của công ty SM theo thông báo của cơ quan thuế nhưng quá thời hạn 10 ngày. Chị Hoa hỏi: việc chậm thời gian thực hiện nêu trên có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan đến đăng ký thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày làm việc trở lên;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày làm việc trở lên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày làm việc trở lên sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

5. Anh Hùng, kế toán công ty HD hỏi: hành vi cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu, chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu, chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế; cung cấp không đầy đủ, không chính xác số hiệu tài khoản, số dư tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không đúng các chỉ tiêu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế phải đăng ký theo quy định nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước;

c) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, công nợ bên thứ ba có liên quan khi được cơ quan thuế yêu cầu.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu, chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cung cấp thông tin đối với hành vi nêu trên.

          6. Trong thời gian kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty HT cung cấp không đầy đủ, chính xác về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu. Xin hỏi, hành vi của công ty HT có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không nhận quyết định thanh tra, kiểm tra thuế, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế khi được cơ quan thuế giao, gửi theo quy định của pháp luật;

b) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế quá thời hạn 03 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

d) Cung cấp không đầy đủ, chính xác về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

đ) Không ký biên bản kiểm tra, thanh tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập hoặc ngày công bố công khai biên bản.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đối với hành vi quy định tại điểm d nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty HT sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

7. Anh Tuấn, nhân viên công ty V hỏi: hành vi không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định niêm phong hồ sơ tài liệu, kết quỹ, kho hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, nhà xưởng;

c) Tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đối với hành vi quy định điểm a khoản nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty V sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

8. Anh Quốc nhân viên công ty PH hỏi: hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn như sau:

1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

b) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

c) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, biên bản vi phạm hành chính xác định là hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế;

d) Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi quy định tại khoản 1 nêu trên.

Trường hợp đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 nêu trên nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP;

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai theo quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều này nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thuế thì không bị xử phạt theo quy định tại Điều này mà xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

          Như vậy, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bị xử phạt theo quy định nêu trên.

9. Chị Sương ở phường AH, thành phố H hỏi: người bảo lãnh có phải nộp thay tiền thuế cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế như sau:

1. Phạt tiền tương ứng với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước (trừ số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán cho người nộp thuế) đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế, trừ trường hợp các tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng thương mại đó không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền mà người nộp thuế phải nộp.

2. Người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.

Nếu quá thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh bị tính tiền chậm nộp do chậm nộp tiền thuế, tiền phạt và bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.

10. Chị An nhân viên công ty M hỏi: hành vi cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày trở lên.

2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế;)

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.

3. Mức phạt tiền quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân áp dụng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cung cấp thông tin theo quy định.

11. Công ty C thực hiện hành vi đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức khác. Xin hỏi, hành vi này có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 20 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về hóa đơn đặt in như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng in bằng văn bản hoặc tổ chức in in hóa đơn đặt in để sử dụng nhưng không có quyết định in hóa đơn của người đại diện theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo không đủ điều kiện đặt in hóa đơn, trừ trường hợp cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản khi nhận được đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc đặt in trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty C sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, buộc hủy hóa đơn đối với hành vi vi phạm.

12. Khi tiến hành thanh lý hợp đồng in với công ty N, công ty B đã không hủy các sản phẩm in thừa. Xin hỏi, hành vi của công ty B có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 21 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về in hóa đơn đặt in như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Báo cáo về việc nhận in hóa đơn quá thời hạn theo quy định từ 01 đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;

b) Báo cáo về việc nhận in hóa đơn quá thời hạn theo quy định từ 06 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi in hóa đơn đặt in mà không ký hợp đồng in bằng văn bản.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo về việc in hóa đơn quá thời hạn theo quy định từ 06 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không hủy các sản phẩm in hỏng, in thừa khi tiến hành thanh lý hợp đồng in.

5. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhận in hóa đơn đặt in khi không đáp ứng đủ điều kiện quy định in hóa đơn;

b) Không khai báo việc làm mất hóa đơn trước khi giao cho khách hàng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một khâu bất kỳ trong hợp đồng in hóa đơn cho cơ sở in khác.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc đặt in trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.

8. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động in hóa đơn từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với hành vi quy định tại khoản 7 nêu trên.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy các sản phẩm in, hóa đơn đối với hành vi quy định tại khoản 4, khoản 7 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty B sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

13. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty M có hành vi bán hóa đơn đặt in chưa phát hành cho công ty V. Vậy, hành vi của công ty M bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành;

b) Cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy hóa đơn đối với hành vi quy định nêu trên;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty M sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng. Đồng thời, buộc hủy hóa đơn đối với hành vi vi phạm và cuộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

14. Chị Mai nhân viên kế toán công ty HT hỏi: hành vi sử dụng hóa đơn đã được thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng có bị xử phạt bị phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc khi thay đổi tên quá thời hạn từ 10 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới hoặc bắt đầu sử dụng hóa đơn với tên mới;

b) Nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp quá thời hạn từ 10 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới;

c) Sử dụng hóa đơn đã được thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng hóa đơn đã được thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

15. Công ty D nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc lập thông báo phát hành hóa đơn không đầy đủ nội dung theo quy định và đề nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, công ty D chưa điều chỉnh mà đã lập hóa đơn giao cho khách hàng. Vậy, hành vi của công ty D bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 4 Điều 23 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lập thông báo phát hành hóa đơn không đầy đủ nội dung theo quy định đã được cơ quan thuế phát hiện và có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để điều chỉnh nhưng tổ chức, cá nhân chưa điều chỉnh mà đã lập hóa đơn giao cho khách hàng;

b) Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;

c) Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc khi thay đổi tên quá thời hạn từ 21 ngày trở lên, kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới hoặc bắt đầu sử dụng hóa đơn với tên mới;

d) Nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp quá thời hạn từ 21 ngày trở lên, kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm a, b nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty D sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

16. Chị Đào, nhân viên kế toán công ty K hỏi: việc không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu cho công ty có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

17. Chị Hương kế toán công ty TU hỏi: hành vi vi phạm quy định về khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn khai báo theo quy định và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn khai báo theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn quá thời hạn từ 06 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn khai báo theo quy định;

b) Không khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn.

 Như vậy, hành vi vi phạm quy định về khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

18. Chị Vân Anh, nhân viên kế toán công ty L hỏi: hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ;

b) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ.

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

b) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 nêu trên.

5. Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn quy định tại khoản 2 và điểm b khoản 3 nêu trên do lỗi của bên thứ ba, nếu bên thứ ba thực hiện giao dịch với người bán thì người bán là đối tượng bị xử phạt, nếu bên thứ ba thực hiện giao dịch với người mua thì người mua là đối tượng bị xử phạt.

Người bán hoặc người mua và bên thứ ba lập biên bản ghi nhận sự việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Như vậy, hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

19. Công ty CP có hành vi không hủy hóa đơn đặt in chưa phát hành nhưng không còn sử dụng theo quy định. Vậy, hành vi này của công ty CP bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 4  Điều 27 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định;

b) Không hủy, không tiêu hủy hóa đơn theo quy định của pháp luật;

c) Không hủy hóa đơn điện tử khi lập sai sót sau khi quá thời hạn cơ quan thuế thông báo cho người bán về việc kiểm tra sai, sót;

d) Không hủy hóa đơn đặt in chưa phát hành nhưng không còn sử dụng theo quy định;

đ) Hủy, tiêu hủy hóa đơn không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

e) Tiêu hủy hóa đơn không đúng các trường hợp phải tiêu hủy theo quy định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty CP sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời, buộc hủy hóa đơn đối với hành vi vi phạm.

          20. Anh Chiến nhân viên công ty HK hỏi: hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 30 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 06 đến 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;

b) Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;

b) Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 nêu trên.

Như vậy, hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

          21. Công ty HC cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Vậy, hành vi của công ty HC có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

 

          Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 31 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ hóa đơn như sau:

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Cung cấp phần mềm hóa đơn tự in không đảm bảo nguyên tắc hoặc khi in ra không đáp ứng đủ nội dung quy định của pháp luật về hóa đơn.

2. Cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty HC sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.586.204
Lượt truy cập hiện tại 5.132