Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giải đáp một số tình huống pháp luật về việc trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử
Ngày cập nhật 22/02/2021

1. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Bộ Công an có yêu cầu trích xuất phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh để phục vụ điều tra, truy tố thì việc gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân được thực hiện như thế nào?

Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định việc gửi văn bản yêu cầu trích xuất như sau:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố thì việc gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để ra lệnh trích xuất;

b) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để ra lệnh trích xuất;

c) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu và tương đương (gọi chung là cấp quân khu) thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để ra lệnh trích xuất.

2. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ xét xử thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi sẽ tiến hành xét xử hoặc nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ quan yêu cầu trích xuất có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp quân khu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp khu vực khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân thì gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan yêu cầu trích xuất có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất.

5. Các trường hợp phạm nhân bị khởi tố bị can về tội phạm khác, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với phạm nhân đó phải có văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân gửi đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 nêu trên để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân về trại tạm giam, nhà tạm giữ phục vụ điều tra.

6. Văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có các nội dung sau đây:

a) Cơ quan yêu cầu trích xuất; họ, tên, chức vụ, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền yêu cầu trích xuất và đóng dấu;

b) Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký thường trú của phạm nhân; ngày bị bắt; tội danh; thời hạn bị phạt tù; bản án số, ngày, tháng, năm, của Tòa án; Quyết định thi hành án số, ngày, tháng, năm của Tòa án và nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; tư cách tham gia tố tụng của phạm nhân được trích xuất trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trích xuất phạm nhân đang thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Mục đích và thời hạn trích xuất; cơ quan, đơn vị được phân công nhận và áp giải phạm nhân được trích xuất; cơ sở giam giữ nơi nhận, quản lý phạm nhân trong thời gian trích xuất.

Theo quy định trên, trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Bộ Công an có yêu cầu trích xuất phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh để phục vụ điều tra, truy tố thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để ra lệnh trích xuất.

2. Đề nghị cho biết, trường hợp cơ quan thi hành án hình sự nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân mà không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất thì giải quyết như thế nào? Nếu đối tượng được yêu cầu trích xuất là phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án thì có phải cân nhắc, xem xét không?

Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân, nếu không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi văn bản đề nghị trích xuất phạm nhân kèm theo bản sao văn bản yêu cầu trích xuất của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất phạm nhân để ra lệnh trích xuất. Khi gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho cơ quan có yêu cầu trích xuất biết.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất thì thực hiện việc đề nghị ra lệnh trích xuất như sau:

a) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thuộc Công an cấp tỉnh khác quản lý thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đó ra lệnh trích xuất;

d) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu khác thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đó để ra lệnh trích xuất.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải gửi văn bản đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu trích xuất gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân theo thẩm quyền.

4. Trường hợp nhận được yêu cầu trích xuất đối với phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án, cơ quan nhận được yêu cầu trích xuất phải có văn bản thông báo lại cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu trích xuất biết về việc phạm nhân đó có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án để xem xét, cân nhắc việc trích xuất phạm nhân.

Theo quy định trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân, nếu không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi văn bản đề nghị trích xuất phạm nhân kèm theo bản sao văn bản yêu cầu trích xuất của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất phạm nhân để ra lệnh trích xuất. Khi gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho cơ quan có yêu cầu trích xuất biết. Trường hợp nhận được yêu cầu trích xuất đối với phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án, cơ quan nhận được yêu cầu trích xuất phải có văn bản thông báo lại cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu trích xuất biết về việc phạm nhân đó có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án để xem xét, cân nhắc việc trích xuất phạm nhân.

3. Thời hạn ra lệnh trích xuất phạm nhân là bao lâu và lệnh trích xuất phải có những nội dung gì?

Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định ra lệnh trích xuất phạm nhân như sau:

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu hoặc văn bản đề nghị trích xuất, cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất phải ra lệnh trích xuất gửi cho cơ quan đã đề nghị ra lệnh trích xuất, cơ quan giao và cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất để thực hiện, đồng thời gửi đến cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để theo dõi.

2. Lệnh trích xuất phạm nhân phải có các nội dung sau đây:

a) Cơ quan, họ, tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;

b) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, ngày bị bắt, tội danh, thời hạn và nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù;

c) Mục đích và thời hạn trích xuất;

d) Cơ quan, người nhận phạm nhân được trích xuất (nếu có);

đ) Ngày, tháng, năm ra lệnh; chữ ký của người ra lệnh và đóng dấu.

Như vậy, thời hạn ra lệnh trích xuất phạm nhân và nội dung lệnh trích xuất phạm nhân theo như quy định nêu trên.

4. Anh Hùng hỏi, anh có người em trai đang là phạm nhân chấp hành án tại trại giam Công an tỉnh T. Vừa qua, anh được biết em trai anh được trích xuất để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan thuộc Bộ Công an. Nay thời hạn trích xuất đã hết nhưng vẫn chưa được trở lại trại giam Công an tỉnh T và anh nghe nói em trai anh thuộc trường hợp được gia hạn trích xuất phạm nhân. Anh Hùng đề nghị cho biết, trường hợp nào thì gia hạn trích xuất phạm nhân?

Khoản 1, 2, 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

1. Chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi hết thời hạn trích xuất, căn cứ yêu cầu, mục đích trích xuất của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc để bảo đảm thủ tục thi hành án phạt tù khi trả lại phạm nhân được trích xuất để tiếp tục thi hành án, cơ quan đã đề nghị trích xuất phạm nhân phải gửi văn bản đề nghị cơ quan đã ra lệnh trích xuất để ra lệnh gia hạn trích xuất đối với các trường hợp sau:

a) Phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn đang tiến hành một trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với phạm nhân đó;

b) Trong thời gian trích xuất, phạm nhân được trích xuất đã bị Tòa án xét xử, khi hết thời hạn trích xuất bản án mới chưa có hiệu lực pháp luật hoặc bản án đó đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất chưa nhận được quyết định thi hành án của Tòa án;

c) Trường hợp phạm nhân được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa đạt mục đích trích xuất và vẫn có nhu cầu tiếp tục trích xuất phạm nhân đó để giải quyết vụ án.

2. Văn bản đề nghị gia hạn trích xuất phạm nhân phải nêu rõ lý do, mục đích gia hạn, thời hạn gia hạn trích xuất.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn trích xuất, cơ quan có thẩm quyền phải ra lệnh gia hạn trích xuất. Lệnh gia hạn trích xuất phải gửi cho cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất, cơ quan đã giao phạm nhân được trích xuất để thực hiện.

Như vậy, việc gia hạn trích xuất phạm nhân được thực hiện trong 3 trường hợp nêu trên.

5. Ông Trần Văn Linh có hỏi: Con trai ông là phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Bộ Công an và đang trong thời gian trích xuất phạm nhân. Lúc này, ông nghe thông tin Tòa án sẽ có quyết định hủy toàn bộ bản án mà con trai ông đang chấp hành để điều tra, truy tố, xét xử lại. Vậy trong trường hợp này con trai ông có trở lại trại giam nơi đang chấp hành án không và nếu sau khi xét xử lại mà vẫn bị xử phạt tù thì thi hành quyết định thi hành án phạt tù như thế nào?

Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp trong thời gian trích xuất, nếu Toà án có thẩm quyền ra quyết định hủy toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án hoặc hủy phần hình phạt tù trong bản án, quyết định của Tòa án mà phạm nhân đang chấp hành để điều tra, truy tố, xét xử lại thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất thực hiện việc giam giữ phạm nhân theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền và không làm thủ tục đề nghị gia hạn trích xuất nhưng phải gửi văn bản thông báo kèm theo bản sao quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đến cơ quan đã ra lệnh trích xuất và cơ quan đã giao phạm nhân được trích xuất.

Sau khi Tòa án xét xử lại mà phạm nhân được trích xuất bị xử phạt tù, có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất thực hiện thi hành quyết định thi hành án phạt tù theo quy định.

Căn cứ quy định trên, con trai ông Linh đang trong thời gian trích xuất mà có quyết định hủy toàn bộ bản án của Tòa án để điều tra, truy tố, xét xử lại thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất thực hiện việc giam giữ phạm nhân. Nếu sau khi xét xử lại mà bị xử phạt tù thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất thực hiện thi hành quyết định thi hành án phạt tù theo quy định.

6. Đối với phạm nhân được trích xuất bị kết án tử hình thì khi hết thời hạn trích xuất có phải làm thủ tục gia hạn trích xuất không?

Khoản 5 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp trong thời gian trích xuất, phạm nhân được trích xuất bị kết án tử hình thì khi hết thời hạn trích xuất, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất tiếp tục giam giữ người đó theo quy định về giam giữ người bị kết án tử hình và không làm thủ tục đề nghị gia hạn trích xuất nhưng phải gửi văn bản thông báo kèm theo bản sao bản án đến cơ quan đã ra lệnh trích xuất, cơ quan đã giao phạm nhân được trích xuất và cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để theo dõi.

Như vậy, trường hợp phạm nhân được trích xuất bị kết án tử hình thì khi hết thời hạn trích xuất không phải làm thủ tục đề nghị gia hạn trích xuất và phải thực hiện theo quy định nêu trên.

7. Bà Lê Thị Lài có con gái là phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam của tỉnh T, còn khoảng 3 tháng là con gái bà chấp hành xong án phạt tù. Trong thời gian này, bà nhận được thông tin, con gái bà có lệnh trích xuất trong thời gian 3 tháng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Vậy cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù cho con gái bà Lai khi con gái bà hết thời hạn chấp hành án phạt tù?

Khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp thời hạn trích xuất từ 02 tháng trở lên và thời gian trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được trích xuất thì cơ quan giao phạm nhân được trích xuất bàn giao phạm nhân cùng với hồ sơ và giấy tờ, đồ vật, tiền, tài sản khác (nếu có) của phạm nhân được trích xuất để cơ quan, người có thẩm quyền nhận phạm nhân trích xuất cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù khi hết thời hạn và ghi sổ theo dõi trích xuất.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan, người tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất có nhiệm vụ tiếp nhận, áp giải, quản lý phạm nhân và hồ sơ phạm nhân được trích xuất trong thời gian trích xuất.

Theo quy định trên, do thời hạn trích xuất đối với con bà Lài là 3 tháng và thời gian này bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân nên cơ quan, người có thẩm quyền nhận phạm nhân trích xuất cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù khi hết thời hạn.

8. Bà Yến hỏi: Bà được biết có trường hợp chị Hoa (trú cùng khu phố) đang chấp hành án phạt tù và có nuôi con mới hơn 2 tuổi ở cùng tại nơi chấp hành án. Vừa  qua, bà được biết chị Hoa có lệnh trích xuất. Vậy, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất có bố trí để con ở cùng mẹ và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với phạm nhân và con của phạm nhân không?

Khoản 4 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp trích xuất phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng tại nơi chấp hành án thì khi tiến hành giao, nhận phạm nhân được trích xuất, cơ quan giao phạm nhân được trích xuất phải tổ chức khám sức khỏe cho con của phạm nhân và bàn giao con của phạm nhân kèm theo giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Thi hành án hình sự (Trường hợp chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh do cơ quan y tế nơi trẻ em được sinh ra cấp hoặc văn bản của người làm chứng nếu trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế; trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì giấy cam đoan của mẹ về việc sinh con) cho cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất để bố trí ở cùng mẹ và thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân và con của phạm nhân trong thời gian trích xuất theo quy định của pháp luật.

 Theo quy định trên, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất sẽ bố trí ở cùng mẹ và thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân và con của phạm nhân trong thời gian trích xuất theo quy định của pháp luật.

9. Ông Mai Văn Hòa có con trai là bị can trong một vụ án hình sự. Vừa qua, ông nghe nói con trai ông có lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền. Vậy việc bảo đảm các chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với con trai ông trong thời gian trích xuất như thế nào?

Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải bảo đảm thực hiện chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được trích xuất theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian trích xuất.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể vê chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam tại Chương IV (từ Điều 27 đến Điều 31); Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 4, Điều 6), cụ thể một số chế độ như sau:

- Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam:

+ Định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17 kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5 kg đường loại trung bình, 15 kg rau, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1 kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than, 45 kw/h điện, 3 m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Định mức ăn của người bị tạm giữ được tính theo ngày trên cơ sở định mức ăn của người bị tạm giam.

Định mức trên do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá thị trường ở địa phương nơi có cơ sở giam giữ.

+ Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 02 lần so với tiêu chuẩn ăn ngày thường.

+ Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác và được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30 kg gạo tẻ loại trung bình.

+ Ngoài tiêu chuẩn ăn nêu trên, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

+ Định mức ăn đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện như quy định đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó; trường hợp vì lý do đối ngoại khác sẽ do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

- Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

+ Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02 kg).

Người bị tạm giữ được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 20g, 01 khăn rửa mặt.

Người bị tạm giam được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 100g dùng trong 02 tháng, 01 khăn rửa mặt dùng trong 04 tháng, mỗi tháng được cấp 0,3 kg xà phòng giặt.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 tháng.

+ Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn quần áo theo mẫu thống nhất, áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.

Như vậy, trường hợp con trai ông Hòa là phạm nhân được trích xuất là bị can thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải bảo đảm thực hiện chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được trích xuất theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian trích xuất.

10. Chị Trần Thị Lan Anh có chồng là phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam tỉnh T. Vừa qua, chị nhận được thông tin chồng chị có lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền. Chị đề nghị cho biết, trong thời gian trích xuất, cơ quan nhận trích xuất có nhận xét, xếp loại kết quả chấp hành nội quy cơ sở giam giữ của chồng chị để làm hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án không?

Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp phạm nhân được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất bố trí giam giữ và thực hiện chế độ đối với phạm nhân được trích xuất theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời sau khi hoàn thành việc xếp loại chấp hành án phạt tù phải gửi ngay kết quả xếp loại hoặc bản nhận xét kết quả chấp hành nội quy cơ sở giam giữ của phạm nhân được trích xuất cho cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân để xem xét, lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất nếu họ đủ điều kiện.

Theo quy định trên, trong thời gian chồng chị Lan Anh được trích xuất, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất, sau khi hoàn thành việc xếp loại chấp hành án phạt tù phải gửi ngay kết quả xếp loại hoặc bản nhận xét kết quả chấp hành nội quy cơ sở giam giữ của phạm nhân được trích xuất cho cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân để xem xét, lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất nếu đủ điều kiện.

11. Bà Trần Thị Vân hỏi: Con trai bà đang là phạm nhân chấp hành án tại trại giam tỉnh T vì tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, sau đó được trích xuất để xét xử về về tội khác. Bản án mới chưa có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian này, con trai bà bị giam giữ tại cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất hay tại cơ quan nào khác?

Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Trường hợp phạm nhân được trích xuất để xét xử về tội khác mà bản án mới bị xét xử chưa có hiệu lực pháp luật thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất tiếp tục giam giữ đến khi có quyết định thi hành án mới của Tòa án. Trong thời gian chờ quyết định thi hành án mới của Tòa án mà thời hạn trích xuất đã hết thì làm thủ tục đề nghị gia hạn trích xuất theo quy định.

Như vậy, trong thời gian bản án mới chưa có hiệu lực pháp luật, con trai bà Vân bị giam giữ tại cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất.

12. Bà Nguyễn Mai Anh hỏi: Chồng bà là phạm nhân chấp hành án tại giam tỉnh T và đã được trích xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Chỉ còn khoảng chừng hơn 10 ngày là chồng bà hết thời hạn chấp hành án phạt tù. Chồng bà cũng không bị tạm giam về tội khác theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Vậy cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho chồng bà Mai Anh sau khi chồng bà đã chấp hành xong án phạt tù?

Khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù theo bản án mà phạm nhân được trích xuất đang chấp hành, việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho phạm nhân được trích xuất được thực hiện như sau:

1. Cơ quan đã giao phạm nhân được trích xuất và đang quản lý hồ sơ phạm nhân có trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù cho phạm nhân được trích xuất và phối hợp cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất tiến hành trả tự do cho người đó nếu người đó không bị tạm giam về tội phạm khác theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhận phạm nhân trích xuất có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, trả tự do cho phạm nhân được trích xuất mà thời gian trích xuất hoặc thời gian gia hạn trích xuất từ 02 tháng trở lên và thời gian trích xuất hoặc thời gian gia hạn trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại.

Theo quy định trên, trường hợp chồng chị Mai Anh có thời gian trích xuất từ 2 tháng trở lên và thời gian trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại thì, cơ quan nhận phạm nhân trích xuất có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, trả tự do cho chồng chị. Nếu không thuộc trường hợp trên thì cơ quan đã giao phạm nhân được trích xuất và đang quản lý hồ sơ phạm nhân có trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù cho phạm nhân được trích xuất và phối hợp cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất tiến hành trả tự do cho chồng chị Mai Anh.

13. Bà Trần Thị Phương có con trai chấp hành án phạt tù tại trại giam tỉnh T, sau đó được trích xuất theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền. Bà Phượng hỏi, trường hợp con trai bà có hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện thì các cơ quan sẽ xem xét, lập hồ sơ?

 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, quy định như sau:

1. Việc đề nghị xem xét, lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 58 của Luật Thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật có liên quan, cụ thể: Trường hợp phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi nhận phạm nhân trích xuất có văn bản đề nghị trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang quản lý hồ sơ phạm nhân xem xét, lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu họ có đủ điều kiện.

2. Trường hợp phạm nhân được trích xuất đủ điều kiện đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất biết để kịp thời phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến phạm nhân được trích xuất.

3. Trường hợp phạm nhân được trích xuất đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày phạm nhân được trích xuất có hành vi vi phạm, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải thông báo bằng văn bản kèm theo quyết định kỷ luật phạm nhân, biên bản vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc văn bản về việc vi phạm pháp luật cho cơ quan đã lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện để giải quyết theo quy định tại Điều 70 và khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án hình sự.

4. Khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án mà cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất vẫn đang quản lý, giam giữ phạm nhân đó thì cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân được trích xuất phải gửi ngay thông báo kèm theo quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang quản lý, giam giữ phạm nhân được trích xuất để tống đạt cho phạm nhân, công bố quyết định, niêm yết danh sách tại cơ sở giam giữ.

5. Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật, nếu cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất vẫn đang quản lý, giam giữ phạm nhân đó thì cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân được trích xuất có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện và phối hợp với cơ quan đang quản lý, giam giữ phạm nhân được trích xuất để tổ chức tha phạm nhân.

Như vậy, việc xem xét, lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất thực hiện theo quy định trên. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi nhận phạm nhân trích xuất có văn bản đề nghị trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang quản lý hồ sơ phạm nhân xem xét, lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu họ có đủ điều kiện.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.586.377
Lượt truy cập hiện tại 5.243