Công tác tư pháp năm 2020 đã được Ngành Tư pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, trong đó, chú trọng công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nhất là các phần mềm dùng chung của tỉnh và phần mềm chuyên ngành của Bộ Tư pháp. Chính nhờ sự phối hợp tích cực của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, trong năm 2020 Sở Tư pháp tiếp tục xếp hạng A (xuất sắc).
Trao đổi, thảo luận nội dung tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham gia bao quát trên hầu hết các lĩnh vực công tác của ngành; các ý kiến tập trung vào giải pháp trong hoạt động việc cấp phiếu lý lịch tư pháp để xóa án tích; phổ biến, giáo dục pháp luật theo sát với yêu cầu xã hội; vấn đề cần lưu ý về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thực thi công vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; một số vấn đề trong công tác thanh tra chuyên ngành, vi phạm, khó khăn và khắc phục; giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp;...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được và đề nghị Ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong năm 2021, tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, Ngành Tư pháp tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, tập trung vào các văn bản pháp luật mới được ban hành và pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và quan trọng nhất là phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ với mục đích cuối cùng là xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Chủ động, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội của tỉnh và của từng địa phương.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, doanh nghiệp như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật,...
Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tiếp tục xây dựng các Phòng Công chứng, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng; có giải pháp để đạt chỉ tiêu vụ việc đề ra.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các mặt công tác, đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Cuối cùng và quan trọng nhất là nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp các cấp trong tham mưu giải quyết các vấn đề pháp chế và tư pháp tại địa phương.
Cũng tại Hội nghị đã công bố Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân về thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010 – 2020 cho 07 tập thể, 15 cá nhân; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 17 cá nhân có đóng góp cho ngành tư pháp và Giấy khen của Giám đốc Sở cho 11 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020.