Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ (Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý).Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng được nâng lên. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được gần 68.000 tỷ đồng/118.000 tỷ đồng phải thu hồi, đạt tỷ lệ 57,39%. Các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đạt khá cao. Riêng các lực lượng thi hành án trong năm 2020 đã thu hồi số tiền chiếm 61,8% tổng số tiền đã thu hồi từ năm 2013 đến nay.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 ngàn đảng viên. Trong đó, có hơn 6.000 đảng viên sai phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bốn đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), cả cán bộ trong lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, cả đương chức và nghỉ hưu. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện, trọng tâm là các lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận tiêu cực, tham nhũng. Đã tập trung thanh tra, kiểm toán, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 ngàn tỷ đồng, hơn 20 ngàn ha đất; đề xuất, kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tề về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước,…
Đạt được kết quả trên là do có chủ trương đúng với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung wong, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; sự cộng hưởng của những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị xác định những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Qua đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồn bộ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả, khả thi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước./.