Giải Nhất của Cuộc thi thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Huế. Ngoài ra, thí sinh Nguyễn Thành Nhân, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Huế đạt giải ba Cuộc thi này.
Ban Tổ chức cũng đã trao giải 3 giải nhì cho các thí sinh Nguyễn Minh Đạm (Phú Yên), Vũ Thị Hà (Bắc Ninh) và Nguyễn Tú Thạnh (Long An); 6 giải ba và 16 giải khuyến khích cho các thí sinh đạt kết quả cao của Vòng thi chung kết.
Tại buổi Lễ, 26 thí sinh đạt giải tại Vòng chung kết, 10 trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 26 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong sự xúc động, Huyền Trang cho biết: Em đến với Cuộc thi vì sự gợi ý của giáo viên và sự tò mò, với tâm lý “tham gia cho biết”, nhưng càng tham gia sâu vào các vòng thi, tìm hiểu quy định pháp luật, em càng say mê vì pháp luật thật sự gần gủi, gắn liền với cuộc sống.
Theo nhiều thí sinh tham gia Cuộc thi và giáo viên các trường, nội dung thi pháp luật được thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên, từ đơn giản đến khó, những tình huống thực tế để các em vận dụng kiến thức pháp luật xử lý, giải quyết, các lĩnh vực pháp luật thiết thực.
“Pháp luật học đường” là cuộc thi do Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức dành cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Với chủ đề “Kiến thức pháp luật - Hành trang vững bước tương lai”, qua 03 vòng thi đã đã thu hút gần 320.000 thí sinh tham gia trong 6 tuần thi vòng loại, 3 tuần thi vòng bán kết và vòng chung kết.
Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, tạo sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, góp phần trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên, tăng cường ý thức tự tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật cho các em – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Với phương thức ứng dụng công nghệ thông tin để thi trực tuyến, Cuộc thi góp phần đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Đặc biệt, các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì Vòng chung kết Cuộc thi, ngoài giải thưởng theo Thể lệ quy định, sẽ được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây thật sự là cơ hội cho thí sinh có năng lực, yêu thích lĩnh vực pháp luật được học tập, rèn luyện, nghiên cứu chuyên sâu và phát triển bản thân trong lĩnh vực này./.