Tham dự Đại hội có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, UVBCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự; lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, địa phương cùng các tập thể, cá nhân là gương điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở và đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở tham dự Đại hội. Nhân dịp này, đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020.
Với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”, Đại hội tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; tuyên dương thành tích của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; xác định phương hướng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của ngành tư pháp trong giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị.
Những năm qua, Bộ Tư pháp tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng, tổ chức triển khai Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng đối với các cơ quan, đơn vị, làm cơ sở cho việc tổ chức, triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đến nay, hệ thống các văn bản về công tác này của ngành Tư pháp cơ bản tương đối đầy đủ, là cơ sở pháp lý quan trọng cho triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng tại Bộ, ngành Tư pháp.
Ngành Tư pháp tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động, trọng tâm là các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Hàng năm, Bộ, ngành Tư pháp phát động, đẩy mạnh tổ chức thực hiện những phong trào thi đua thường xuyên, theo chuyên đề, theo đợt thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng thời kỳ và từng lĩnh vực công tác, với phương châm: các phong trào thi đua phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, sôi nổi, rộng khắp, kết hợp các đợt thi đua dài ngày và ngắn ngày, gắn thi đau với việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành, địa phương và đơn vị; những việc khó, bức xúc, phức tạp càng cần phải thi đua; lấy hiệu quả công tác của đơn vị, cá nhân làm thước đo đánh giá phong trào.
Các Cụm, Khu vực thi đua còn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra,căn cứ điều kiện thực tiễn, còn tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, lập các quỹ khuyến học chung, quỹ hỗ trợ nhà tình nghĩa cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn,...
Công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới có tính lan tỏa, qua đó cổ vũ, động viên tập thể, cá nhân hăng hái thi đua, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị cũng như toàn ngành Tư pháp. Trong giai đoạn 2015-2020, các đơn vị trong Ngành đã công nhận 1.263 tập thể, cá nhân là điển hình tiên tiến cấp cơ sở và Bộ Tư pháp đã công nhận 295 trường hợp là điển hình tiên tiến ngành Tư pháp.
Phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành. Giai đoạn 2015-2020 đánh dấu sự chuyển biến mới về chất lượng trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong toàn quốc. Từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hơn 70 dự án luật, pháp lệnh và nhiều Nghị quyết, trong đó có những dự án luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, Chính phủ, toàn Ngành tập trung sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Ngành phù hợp với mục tiêu, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao, chú trọng hơn vào tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của văn bản, kiên quyết loại bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, phụ cấp đặc thù, thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý ngành, lĩnh vực, tập trung vào điều kiện, thủ tục cấp phép, thủ tục hành chính... trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không phải là văn bản chuyên ngành; toàn ngành thẩm định 39.558 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác quản lý hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được đổi mới gắn với nâng cao chất lượng, có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Thể chế, chính sách về đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Các hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được tăng cường quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tiếp tục được chú trọng, tăng cường, các điều kiện đảm bảo thực hiện ngày càng được quan tâm hơn,...
Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025 với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” với mục tiêu phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ, ngành Tư pháp qua 75 năm xây dựng và phát triển; kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020; nhằm tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành nỗ lực thi đua, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng “Huân chương Lao động” hạng Nhất cho ngành Tư pháp; Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân. Đại hội cũng đã công bố Quyết định trao tặng danh hiệu “Chiến sỹ Thi đua toàn quốc”cho cá nhân; trao tặng “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp” cho các tập thể, cá nhân; vinh danh điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020./.